Nghề Tết vào vụ

14/12/2023 13:44

Tết là dịp sum vầy và cũng là thời điểm thuận lợi để kinh doanh tăng thu nhập. Vì vậy, dịp cuối năm, ai ai cũng dành nhiều thời gian, tâm huyết cho những sản phẩm mình làm ra với hy vọng đón Tết đủ đầy, sung túc hơn.

Những salon làm đẹp đã chỉnh trang cơ sở từ rất sớm để đón khách làm đẹp mùa Tết

 

Nghề làm đẹp đón Tết sớm

Bây giờ, đã là thời điểm “vàng” của nghề làm đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng khá hơn thì nhu cầu làm đẹp ngày càng cao. Với mong muốn tân trang nhan sắc đón năm mới may mắn, vui tươi, nhiều chị em rủ nhau làm đẹp đón Tết. Nhờ vậy, các dịch vụ làm đẹp, như: Cắt tóc, uốn tóc, làm móng, chăm sóc da... trở nên nhộn nhịp.

Bên cạnh các salon tóc, các cơ sở thẩm mỹ cũng hút khách không kém. Các dịch vụ được lựa chọn nhiều, như: Chăm sóc da mặt, lấy nhân mụn, phun xăm thẩm mỹ, nối mi… với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/lượt. Chị Dung (chủ một spa làm đẹp ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) thông tin: “Tri ân khách hàng dịp cuối năm, spa của tôi bắt đầu chương trình khuyến mãi vào giữa tháng 12/2023. Cụ thể, khách mua liệu trình gội đầu thư giãn sẽ được tặng 1 buổi chăm sóc da chuyên sâu; mua liệu trình gội đầu cổ, vai, gáy sẽ được tặng 1 buổi chăm sóc da nám. Spa còn giảm 5% hóa đơn làm đẹp trên 250.000 đồng, như: Cấy trắng căng bóng, chăm sóc da lão hóa, chăm sóc da nám… Thời điểm này, nhu cầu làm đẹp của chị em tăng cao nên chúng tôi đang tuyển thêm thợ phụ”.

Từ đầu tháng 12, chị Cẩm L. (chủ tiệm làm tóc trên đường Võ Thị Sáu, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) đã bận rộn đến nỗi có những ngày không kịp ăn cơm. Theo chị Cẩm L., đây là mùa được nhiều chị em chọn làm mới bộ tóc nhất. “Bởi, cận Tết quá thì phải mất thời gian chờ đợi. Chưa kể, thợ sẽ không có nhiều thời gian chăm chút tóc cho khách hàng. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, tôi khuyên khách quen của mình nên “tân trang” tóc mới trước Tết khoảng 1 tháng để khách hàng và thợ đều thư thái thời gian” - chị Cẩm L. chia sẻ. 

Không chỉ làm đẹp bên ngoài, nhiều chị em cũng quan tâm chăm sóc sức khỏe để đón Tết. Vì vậy, những trung tâm dạy yoga, phòng tập gym cũng nhộn nhịp hẳn lên. “Ngày thường, học viên học lai rai nhưng gần Tết, số người học nhiều hơn. Với yoga, ngoài rèn luyện thể chất còn giúp người tập thư giãn tâm trí vì có sự kết hợp giữa động tác đi kèm nhịp thở. Thế nên, nhiều chị em đã tìm đến yoga những ngày trước Tết để duy trì thân hình cân đối và cải thiện sức khỏe” - chị Cẩm Nang (hướng dẫn viên yoga, ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) giải thích.

 

Người chơi kiểng đang tất bật khi Tết về

 

Tất bật mùa chăm sóc cây kiểng

Cây cảnh, bon-sai ngày càng được thị trường ưa chuộng, thu hút nhiều người tham gia sưu tầm, sản xuất và kinh doanh. Nhiều ngày qua, anh Nguyễn Thanh Lâm (xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn) tất bật chuẩn bị cho vườn cây cảnh, bon-sai của mình “chào” Xuân 2024. Theo anh Lâm, thời điểm này, các công đoạn chăm sóc cây kiểng, bon-sai đã dần hoàn tất, từ làm đất, bón phân, tỉa cành đều đã được người chơi kiểng chu toàn. Công việc hàng ngày của anh Lâm là chăm sóc, tưới nước, thăm vườn thật tốt để phòng ngừa, phát hiện sâu bệnh, kịp thời xử lý.

Cây kiểng và hoa là điểm nhấn nổi bật, rõ nét nhất làm mới không gian nhà để đón chào năm mới. Làm sao cho kiểng đẹp hơn là nhờ vào đôi bàn tay và kinh nghiệm của người trồng hoa kiểng. Với họ, Tết là vụ quan trọng nhất trong năm vì số lượng tiêu thụ lớn, giá bán cao, lợi nhuận nhiều nhất. Để có hoa, cây cảnh bán dịp Tết, anh Lâm phải tỉ mỉ, công phu từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

“Chẳng hạn, tôi phải cắt tỉa cành lá trước Tết khoảng 90 ngày để cây trang kiểng ra bông đẹp nhất dịp Tết. Hay cây nguyệt quế thì tỉa cành trước Tết 30 ngày là đẹp nhất. Cây sứ kiểng thì tỉa cành trước Tết khoảng 25 ngày. Riêng với mai vàng, tôi lặt lá 2 lần trong năm. Đó là dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch) và khoảng 9 - 15 tháng Chạp. Hiện tôi đang canh thời gian để lặt lá mai, cây kiểng và tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm cho đất, còn những công đoạn thay đất, tạo dáng… đã hoàn tất” - anh Lâm thông tin.

Theo các nghệ nhân, giá trị của dòng bon-sai không phụ thuộc vào độ lớn nhỏ của cây, mà do đôi bàn tay tài hoa của người thợ, “ấn tượng” là làm sao để cây mang dấu tích thời gian tạo ra những thế, những dáng cây độc, lạ. Đam mê cây cảnh, bon-sai là một chuyện, nhưng muốn sở hữu, sưu tầm những thế bon-sai độc đáo thì phải có điều kiện. Năm nào cũng vậy, anh Lâm đều háo hức mang những cây bon-sai tâm đắc của mình “trình làng” ở chợ hoa, trước là để trao đổi, học hỏi, giao lưu, sau là hy vọng được mùa “bội thu”.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới