Nâng tầm giá trị ẩm thực An Giang

28/11/2023 13:13

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (XTTM&ĐT) An Giang vừa tổ chức hội thi ẩm thực với chủ đề “Hương vị đặc sắc An Giang” năm 2023. Đây là điểm nhấn, góp phần giới thiệu, quảng bá 2 món ăn độc đáo của tỉnh vừa được Tổ chức Kỷ lục Châu Á vinh danh là cơm tấm Long Xuyên và gỏi sầu đâu.

Món gỏi sầu đâu được nâng tầm về chất lượng và cách trang trí

 

Từ sự độc đáo…

Tờ mờ sáng, khu vực diễn ra hội thi ẩm thực “Hương vị đặc sắc An Giang” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) đã tấp nập bóng người, chuẩn bị cho cuộc tranh tài sắp diễn ra. Dù chỉ xoay quanh 2 món ăn là cơm tấm Long Xuyên và gỏi sầu đâu, nhưng với sự tham gia của 15 đội thi đại diện các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh ăn uống trên toàn tỉnh, đã mang đến sự đa dạng trong quá trình chuẩn bị và chế biến.

Bà Nguyễn Thị Ngoan (chủ quán cơm tấm Cô Tư) không giấu được sự hân hoan khi lần đầu tiên góp mặt ở hội thi đặc biệt này. Với bảng hiệu cơm tấm Cô Tư, bà Ngoan đã phục vụ không biết bao nhiêu thực khách trong, ngoài tỉnh qua hàng chục năm.

“Nhiều người ăn xong cứ khen mãi, rồi hỏi tôi tại sao không lên những thành phố lớn kinh doanh. Tôi trả lời, mình là dân Long Xuyên, đã gắn cuộc đời với thành phố này mà dĩa cơm tấm Long  Xuyên cũng “sinh ra” từ vùng đất này. Nếu đi nơi khác, cơm tấm Long Xuyên sẽ không còn là chính nó. Bởi vậy, mình ở lại đây phục vụ bà con An Giang và du khách” - bà Ngoan chia sẻ.

Theo chủ quán cơm tấm Cô Tư, sự độc đáo của cơm tấm Long Xuyên chỉ gói gọn trong một chữ “nhuyễn”. Mọi thứ đều phải nhuyễn, từ cơm tấm, thịt, ớt bầm trong nước mắm và nhiều thứ khác nữa. Cơm đưa vào miệng, có cảm giác như tự tan ra. Mùi thơm của thịt, mùi nồng nồng, mằn mặn của nước mắm mang đến hương vị rất đặc trưng. Bởi thế, cơm tấm thì nơi đâu cũng có, nhưng cơm tấm Long Xuyên thì riêng một vị, riêng một chất và xứng đáng được góp mặt trong danh sách các món ăn được xác lập kỷ lục Châu Á.

Giám đốc Trung tâm XTTM&ĐT tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu thông tin: “Nếu chỉ dừng lại ở việc công bố kỷ lục của cơm tấm Long Xuyên hay gỏi sầu đâu, thì không thể đạt hiệu quả quảng bá hay nâng tầm những món ăn này. Chúng tôi tổ chức hội thi với mong muốn thông qua những đầu bếp lành nghề, có sự sáng tạo, để góp phần cải tiến hương vị của món ăn, tạo sự mới mẻ cho thực khách. Tuy nhiên, yếu tố truyền thống vẫn được giữ lại, bởi đây là thứ đã tạo nên danh tiếng cho cơm tấm Long Xuyên hay gỏi sầu đâu của vùng đất An Giang này”.

…đến sự sáng tạo

Sau thời gian chế biến, sản phẩm của các đơn vị bắt đầu được trình làng. Cùng là món gỏi sầu đâu nhưng sản phẩm lại vô cùng phong phú. Có đầu bếp ở xứ cù lao, đã chiên khô cá lóc Chợ Mới kết hợp lá sầu đâu vùng đồng bằng, để làm bật lên sự mặn mòi, dân dã miền châu thổ. Riêng đội thi từ vùng Bảy Núi đến tranh tài, khéo léo kết hợp một số loại lá dược liệu, trà dược liệu để tạo nên hương vị rất riêng cho món gỏi đặc biệt này.

Anh Đỗ Thế Huy (nhà hàng - khách sạn Hòa Bình) hào hứng: “Tôi tham gia hội thi với mong muốn góp bàn tay nâng tầm những món ăn nổi tiếng của tỉnh. Dù vẫn giữ chất truyền thống vốn có, nhưng chính sự sáng tạo sẽ làm nên cảm nhận mới mẻ cho thực khách khi thưởng thức món ăn. Ban giám khảo phải tìm ra người thắng cuộc để trao giải, nhưng tôi cho rằng tất cả các đội thi đều chiến thắng, bởi họ đều thể hiện được sự sáng tạo của mình”.

Theo anh Huy, cần phải cải tiến trong quá trình chế biến món cơm tấm Long Xuyên và gỏi sầu đâu. Bởi lẽ, nhu cầu của thực khách rất đa dạng nên không thể dùng một công thức chế biến phục vụ tất cả. Như món gỏi sầu đâu, người An Giang sẽ trộn tất cả khô cá lóc, lá sầu đâu, thịt ba rọi… vào chung và thưởng thức. Nhưng với du khách, người đầu bếp phải để riêng từng thành phần và sử dụng nghệ thuật trang trí để làm tăng giá trị món ăn. Nếu du khách không ăn được nhiều lá sầu đâu bởi vị đắng đặc trưng, họ có thể sử dụng tùy thích.

Cùng quan điểm này, bà Phan Thúy Oanh (Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, thành viên ban giám khảo) nhận định: “Tôi khá thích sự sáng tạo của các đơn vị tham gia hội thi. Đây là điều cần thiết bởi nếu đưa món ăn trở thành một phần của hoạt động du lịch thì phải có sự sáng tạo cho phù hợp, nhất là đảm bảo “tính vùng miền” trong quá trình nêm nếm, chế biến. Tôi nghĩ, những món ăn được trình bày tại hội thi sẽ tiếp tục chinh phục du khách tốt hơn trong thời gian tới”.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới