Mùa nấu đường thốt nốt

26/02/2021 07:08

Từ tháng 10 (âm lịch), huyện miền núi Tri Tôn (An Giang) bắt đầu bước vào mùa khô và kéo dài cho đến tháng 3 năm sau. Đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, thời điểm này bắt đầu vào mùa nấu đường thốt nốt, công việc này đã giúp nhiều hộ gia đình có được cuộc sống ổn định hơn.

“Sống” trên ngọn cây

Men theo những con đường đầy sỏi đá quanh chân núi Cấm, khu vực giáp ranh giữa 2 xã An Hảo (Tịnh Biên) và Châu Lăng (Tri Tôn), chúng tôi tìm đến những hộ gia đình đang miệt mài lấy nước thốt nốt về nấu đường. Bắt chuyện với anh Chau Nhen (ngụ ấp An Thuận, xã Châu Lăng) đang gánh những chiếc hủ, can nhỏ trên vai; lưng đeo dao nhỏ len lỏi qua những hàng thốt nốt, chúng tôi được biết, anh đang trên đường đem nước thốt nốt về để nấu đường. Để có được số lượng nước này, từ sáng sớm anh đã bắt đầu leo lên những cây thốt nốt, cẩn thận lấy những bình nước tích trữ từ hôm trước xuống. Công việc lặp đi lặp lại nhiều nên hầu như cả ngày anh đều “ở trên cây”.

 

 

Nước thốt nốt sau khi lấy về phải được nấu ngay để tránh bị chua

“Nhà tôi có khoảng 20 cây thốt nốt nên việc lấy nước thốt nốt khá vất vả và mất thời gian. Việc trèo cây lấy nước thốt nốt rất nguy hiểm, có cây cao đến 15m, chỉ cần sơ suất nhỏ là có thể mất mạng như chơi. Mùa khô hạn, cây tiết ra nước nhiều và ngọt, mùa mưa nước tiết ra ít và lạt hơn nên sản lượng ít hơn” - anh Chau Nhen chia sẻ.

Trong cuộc nói chuyện với anh Nhen, chúng tôi được biết, nước thốt nốt được tiết ra từ những vết cắt ở bông, chứ không phải từ nước trong trái. Để lấy được nước, bà con thường dùng những cây tre dài, có nhiều nhánh làm thang leo. Khi lên đến ngọn cây, bà con dùng dao cắt phần đầu hoa, sau đó dùng can hay hủ nhựa hứng nước. Trước đây, người ta thường dùng ống tre gai, chọn ống to, giao lóng để hứng nước. Hiện nay không còn dùng ống tre nữa, mà thay vào đó là các vật dụng bằng nhựa nhỏ để nhẹ công mang lên cây. Sau mỗi lần lấy nước, bà con tiếp tục cắt ở phần đầu hoa bỏ để tích nước.

Cải thiện thu nhập

Nước thốt nốt sau khi lấy xuống được lọc qua miếng màng mỏng cho sạch bụi, côn trùng và phải được nấu ngay để tránh bị chua. Để nhanh chóng và tiện lợi, bà con đồng bào DTTS Khmer thường dựng những căn chòi ngay dưới gốc cây thốt nốt; dùng đất đắp lò rồi đặt lên đó những chảo lớn để nấu đường. Để tiết kiệm, bà con còn dùng  lá thốt nốt, cây gỗ tạp để làm củi đốt.

Nếu công việc lấy nước thốt nốt chỉ dành cho đàn ông thì nấu đường là công việc dành riêng cho phụ nữ. Chị Néang Hiếp (xã Châu Lăng) cho biết, nước thốt nốt được nấu khoảng 4 giờ là cô đặc lại thành đường dạng lỏng. Sau khi cô đặc đạt yêu cầu, chảo được nhắc ra khỏi lò, khuấy liên tục để còn màu vàng tươi đặc trưng của đường. “Bình quân khoảng 8-10 lít nước thốt nốt sẽ thu về 1kg đường. Sản phẩm thu được sẽ đem bán cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện để đóng hủ hay nấu đường viên”- chị Néang Hiếp chia sẻ.

 

 

Việc lấy nước thốt nốt rất vất vả và nguy hiểm

Từ lâu, nghề nấu đường thốt nốt đã giúp nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS Khmer huyện miền núi Tri Tôn có được nguồn thu nhập ổn định. Chị Néang Hiếp cho biết, hiện nhà chị đang sở hữu khoảng 20 cây thốt nốt. Bình quân mỗi ngày chị nấu được 20kg đường, bán cho các cơ sở với giá 25.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày, gia đình chị thu về khoảng 500.000 đồng.

Cách căn chòi “dã chiến” của chị Néang Hiếp không xa, căn nhà khang trang của chị Néang Nô nổi bật giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ. Chị Néang Nô cho biết, căn nhà là kết quả sau nhiều năm gia đình chị làm nghề nấu đường thốt nốt và canh tác nông nghiệp. Chị Néang Nô chia sẻ: “Nhà tôi có khoảng 40 cây thốt nốt. Mỗi ngày vợ chồng tôi nấu được khoảng 25-30kg đường, bán giá 30.000 đồng/kg. Nhờ vậy, mỗi ngày gia đình tôi cũng kiếm được 700.000-900.000 đồng”.

Đường thốt nốt đã thành một trong những món đặc sản của đồng bào DTTS Khmer nói riêng, bà con vùng Bảy Núi nói chung. Đây cũng là món quà không thể thiếu của du khách khi đến với vùng đất bán sơn địa này.

Nguồn: baoangiang.com.vn