Mô hình nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao ở thành phố Long Xuyên

24/09/2018 10:19

Những năm qua trên địa bàn thành Long Xuyên đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế của nông dân. Song song đó, các mô hình chăn nuôi này đã tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn.

Khóm Long Hưng 1 và Long Hưng 2, phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên là địa phương phát triển rất mạnh mô hình nuôi lươn trong bồn bằng bể nylon và xi măng. Từ vải hộ nuôi ban đầu đến nay đã tăng lên hơn 50 hộ, hiệu quả kinh tế mang lại rất đáng kể, ổn định cuộc sống và vươn lên khá giàu.

Hộ ông Phạm Văn Trinh ở khóm Long Hưng 01 là một điển hình. Ông Trinh là nông dân chuyên sống bằng nghề khai thác thủy sản, cách đây hơn 10 năm sau khi được Trung tâm Khuyến nông An Giang tập huấn kỹ thuật nuôi lươn trong bể, ông Trinh đã đầu tư thử nghiệm một bồn nuôi với diện tích ngang 4m dài 7m. Sau thời gian 10 tháng nuôi, ông Trinh thu hoạch, lợi nhuận khá bất ngờ, sau khi trừ chi phí ông còn lãi gần 30 triệu đồng.

Hiện nay ông Trinh có 10 bồn nuôi lươn thịt và lươn giống, ông Trinh cho biết, về kỹ thuật nuôi, thiết kế bồn nuôi và chọn lươn giống là yếu tố quan trọng nhất để nuôi lươn thành công. Theo ông Trinh, với việc thiết kế bồn nuôi lươn bằng chất liệu ny-lon hay xi măng diện tích mỗi bồn khoảng 30 m2 (4m x 7m), có thể thả lươn giống 40 con – 50 con/m2 (loại 60 con/kg), sau 5 – 6 tháng nuôi cho trọng lượng mỗi con từ 150g – 200g,  sản lượng có thể đạt 250kg – 300kg/bồn là có thể thu hoạch. Về chi phí đầu tư trong suốt quá trình nuôi khoảng 50 triệu đồng/bồn, với giá thành mỗi kg lươn giống là khoảng 60.000đồng. Bình quân mỗi bồn nuôi sau khi trừ chi phí lợi nhuận gần 30 triệu đồng. Hiện nay, Khóm Long Hưng 1, phường Mỹ Thạnh có hơn 20 hộ nuôi lươn, mỗi hộ nuôi từ 3 đến 10 bồn. Mô hình này còn tạo điều kiện cho bà con kiếm thêm thu nhập từ việc bắt ốc bươu vàng, cá tạp… làm thức ăn cho lươn mùa nước nổi.

Với hiệu quả kinh tế mang lại từ việc nuôi lươn thịt, đầu năm 2016, ông Trinh đã đầu tư hệ thống nuôi lươn giống sinh sản, số lượng lươn giống là 5 bồn bố mẹ. Kỹ thuật cho lươn sinh sản, ông Trinh được cán bộ kỹ thuật khuyến nông phường Mỹ Thới thành phố Long Xuyên hướng dẫn. Ông Trinh cho biết thêm, nuôi lươn giống hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với lươn thịt. Hiện nay bình quân 25 ngày ông cho xuất bán 1 lần, lợi nhuận hơn 10 triệu đồng.

Ngành Khuyến nông tỉnh cho biết, mô hình nuôi lươn thịt và lươn sinh sản của nông dân Phạm Văn Trinh là mô hình hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, ngành Khuyến nông tỉnh sẽ nhân rộng mô hình nuôi lươn giống và lươn thịt với nông dân vùng nông thôn. Theo đó để nông dân chăn nuôi đạt hiệu quả tốt nhất, ngành Khuyến nông sẽ tập huấn chuyển giao qui trình chăn nuôi, hướng dẫn nông dân xây dựng bồn nuôi theo qui cách và chọn lươn giống chất lượng, có nguồn gốc, đảm bảo nguồn nước chăn nuôi nhằm hạn chế rủi ro khi nông dân tham gia nuôi. Đây cũng là mô hình đa dạng hóa cây trồng vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân vùng nông thôn.

                                                                                                Nguyễn Hậu

Viết bình luận mới