Giải bài toán bất cập về du lịch

21/05/2018 11:15

Lượng khách tăng, doanh thu du lịch (DL) tăng qua từng năm là tín hiệu mừng của ngành DL An Giang. Tuy nhiên, nếu không đầu tư cơ sở hạ tầng hợp lý, không phát triển các sản phẩm DL mới, hấp dẫn thì tình trạng “khách đông nhưng xài tiền ít” sẽ vẫn cứ tồn tại.

Chưa tương xứng tiềm năng

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và DL (VH-TT&DL), quý I-2018, An Giang đón 2,9 triệu lượt khách (tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017), doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Dù doanh thu tăng nhưng tính bình quân, mỗi du khách đến An Giang tiêu xài trung bình chỉ hơn 500.000 đồng.

“An Giang xác định DL là ngành kinh tế mũi nhọn thì DL phải có đóng góp tích cực vào GRDP, thúc đẩy kinh tế phát triển” - TS Vũ Thành Tự Anh, Trưởng ban Cố vấn kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy đặt vấn đề.

 

 

Theo các đơn vị dịch vụ lữ hành, du khách đến An Giang không phải không muốn chi tiền, mà do chưa có các dịch vụ hấp dẫn để khách chịu bỏ tiền ra.

“An Giang có nhiều cảnh đẹp, danh thắng nổi tiếng, có đặc thù văn hóa dân tộc Chăm, Khmer, có tiềm năng phát triển DL cộng đồng, DL sông nước, núi non, rừng sinh thái…

Tuy nhiên, khách đến đây chủ yếu tham quan ban ngày, chụp ảnh, mua vài món đặc sản rồi về. Đối với những đoàn khách nước ngoài, muốn bố trí ở lại đêm nhưng thiếu các khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 5 sao, thiếu các dịch vụ về đêm hấp dẫn, thiếu các sản phẩm DL đáp ứng nhu cầu du khách.

Bên cạnh đó, tuyến đường bộ từ TP. Hồ Chí Minh về An Giang còn khó khăn, mất thời gian di chuyển lâu nên các công ty ngại giới thiệu những đoàn khách sang trọng về đây” - bà Lê Ngọc Hiến Thanh, Giám đốc Công ty DL Cỏ Việt (TP. Hồ Chí Minh) nhận xét.

 

 

Bên cạnh chậm phát triển sản phẩm DL, dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, hạn chế của DL An Giang còn nằm ở các điểm đến, tuyến DL chưa phong phú, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng, tạo ấn tượng về DL An Giang.

Trong khi đó, các doanh nghiệp DL hoạt động riêng lẻ, thiếu chủ động kết nối trong chuỗi dịch vụ cung ứng. Tại các điểm thu hút đông du khách như: núi Cấm, núi Sam, dù các cấp, ngành đã quan tâm triển khai nhiều biện pháp chấn chỉnh nhưng tình trạng đeo bám, chèo kéo khách DL, mua, bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vứt rác bừa bãi nơi công cộng vẫn còn diễn ra…

Khuyến khích đầu tư vào DL

Đây là nội dung mà lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương đang quyết liệt triển khai. “Nhà nước giữ vai trò kiến tạo để doanh nghiệp (DN) đầu tư vào DL, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo đó, việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ DL chuyên nghiệp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật để kết nối trọng tâm DL sẽ được tỉnh quan tâm, còn khai thác DL thì khuyến khích DN cùng tham gia.

Để thu hút đông khách, có lợi nhuận, DN sẽ quan tâm phát triển các sản phẩm DL hấp dẫn” - Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Văn Lên nhấn mạnh.

 

 

Hiện nay, tỉnh đã công bố quy hoạch phát triển DL 3 xã Cù lao Giêng (Chợ Mới) giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đối với quy hoạch phát triển DL lòng hồ Tân Trung - Vàm Nao (Phú Tân) và quy hoạch tổng thể phát triển DL huyện Thoại Sơn (giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030), Sở VH-TT&DL đã hoàn thành đề cương và dự toán.

Sắp tới, lễ công bố quy hoạch tổng thể phát triển Khu DL quốc gia núi Sam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ được tổ chức.

Cùng với đó là đưa vào khai thác các công trình văn hóa, di tích lịch sử, làng nghề truyền thống và các địa điểm tham quan có khả năng khai thác phát triển DL ở các địa phương khác.

Mới đây, Khu DL núi Cấm và Di tích lịch sử văn hóa đồi Tức Dụp đã được Hiệp hội DL ĐBSCL công nhận là Điểm DL tiêu biểu ĐBSCL năm 2017.

Qua công tác xúc tiến, kêu gọi của tỉnh, nhiều DN đã và đang mạnh dạn đầu tư vào DL An Giang. Hiện nay, Điểm dừng chân DL Vạn Hương Mai và Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Long Xuyên đã được Sở VH-TT&DL cấp Biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách DL. Thông qua Công ty Cổ phần DL An Giang, Tập đoàn Sao Mai đang nghiên cứu đầu tư khách sạn nổi 5 sao tại TP. Châu Đốc, đầu tư khai thác rừng tràm Trà Sư, đầu tư Khu DL sinh thái và nghỉ dưỡng hồ Ô Thum (xã Ô Lâm, Tri Tôn).

Trong khi đó, bên cạnh khai thác dịch vụ vận tải, Công ty TNHH MTV Thiên Thiên Hương còn đầu tư xây dựng khách sạn Thiên Thiên Hương tại TX. Tân Châu để phục vụ khách DL.

Đối với Công ty Cổ phần Phát triển DL An Giang, việc đầu tư dự án công viên trò chơi ở núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy DL núi Cấm thêm phát triển.

Tại phường Núi Sam (TP. Châu Đốc), Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi quyết định đầu tư Khu thương mại Lộc Kim Chi để khai thác tiềm năng DL Bà Chúa Xứ núi Sam nổi tiếng...

Những nỗ lực cải thiện hình ảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ DL cùng những tâm huyết đầu tư của DN đang mở ra kỳ vọng mới, góp phần tháo gỡ nút thắt, tạo đà cho ngành “công nghiệp không khói” của An Giang phát triển.

Nguồn baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới