Gặp mặt điển hình tiên tiến thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009-2019

21/09/2018 13:43

Sáng nay 21/9, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết và gặp mặt điển hình tiên tiến thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” giai đoạn 2009-2019. Tham dự hội nghị có đồng chí Đại tá Phạm Thái Sơn, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng; Đại tá Trần Ngọc Diệp, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9. Ông Vương Bình Thạnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Ngày Biên phòng toàn dân tỉnh An Giang chủ trì hội nghị.

Thực hiện 05 nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân” theo Quyết định số 16 ngày 22/02/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), hàng năm, Ban chỉ đạo “Ngày Biên phòng toàn dân” của tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong lãnh chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện gắn với làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia, Quy chế khu vực biên giới, công tác phân giới cắm mốc; âm mưu thủ đoạn hoạt động của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, hoạt động của các loại tội phạm; phòng chống mua bán người; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị hợp tác với chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đối diện; đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững ổn định an ninh chính trị khu vực biên giới. 

Qua 10 năm, nhiều mô hình toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được duy trì và phát huy hiệu quả tích cực, như: “Tổ Tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ Phụ nữ cùng với Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”, “Tổ Tự quản an ninh trật tự khóm, ấp” vv… Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố biên giới có 51 tập thể, 1.287 hộ gia đình, 1.588 cá nhân đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng được 21 hòm thư tố giác tội phạm ở các địa bàn dân cư khu vực biên giới, và quần chúng nhân dân đã cung cấp cho Bộ đội Biên phòng 4.720 tin, trong đó có 1.880 tin có giá trị, góp phần giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới.

Thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn biên giới của tỉnh, các Đồn Biên phòng đã tích cực tham gia thực hiện được 350 công trình, phần việc, tập trung giúp dân khắc phục thiên tai, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội... với trên 30.500 ngày công; Phối hợp với mặt trận các cấp, chính quyền xây cất được 385 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo trên biên giới”, trị giá 08 tỷ đồng; hỗ trợ tiền quà, hiện vật cho dân nghèo biên giới đón tết hàng năm với tổng trị giá hàng tỷ đồng; xây dựng 04 trạm xá quân dân y kết hợp; 04 dự án nước sạch trị giá gần 20 tỷ đồng phục vụ cho bộ đội và 1.000 hộ dân biên giới; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn người dân và lực lượng vũ trang hai bên biên giới trị giá tiền thuốc trên 2 tỷ đồng. Hiện nay, tuyến biên giới An Giang có 03 xã được công nhận xã “Nông thôn mới”.

Từ kết quả đã đạt được qua 10 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trao tặng 510 Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc” cho cán bộ, nhân dân tiêu biểu trong tỉnh; UBND tỉnh tặng 10 “Cờ dẫn đầu phong trào xây dựng và bảo vệ biên giới” cho cán bộ và nhân dân các huyện, thị xã, thành phố biên giới và tặng Bằng khen cho 66 tập thể và 93 cá nhân; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tặng Giấy khen cho 180 cá nhân là nhân dân trong địa bàn có thành tích xuất sắc trong phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới”./.

Phước Út

Viết bình luận mới