Du lịch thích ứng COVID-19

25/10/2021 15:11

Khi tỉnh An Giang đang từng bước khôi phục, phát triển lại kinh tế - xã hội, ngành du lịch (DL) cũng cần chủ động chuẩn bị để trở lại guồng quay trước đây. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp kinh doanh DL phải có các biện pháp phục hồi hoạt động phù hợp với tình hình.

Thay đổi tư duy

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt khu vực phía Nam. Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố đã nới lỏng giãn cách xã hội và dần nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Hoạt động DL cũng cần chuẩn bị để trở lại một cách an toàn trong điều kiện “thích nghi” cùng dịch bệnh.

Nhằm chuẩn bị cho các doanh nghiệp DL những định hướng đúng trong phục hồi hoạt động, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn tiến hành tập huấn bằng hình thức trực tuyến, về các biện pháp phục hồi hoạt động thời điểm “hậu COVID” cho các khu, điểm DL, doanh nghiệp DL trên địa bàn tỉnh.

 

 

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang hỗ trợ tập huấn cho các doanh nghiệp du lịch trở lại sau dịch bệnh COVID-19

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu thông tin: “Mục tiêu của việc tập huấn là hướng dẫn các doanh nghiệp DL trên địa bàn tỉnh nắm bắt kịp thời tình hình, có bước chuẩn bị để phục hồi hoạt động. Đồng thời, phải thay đổi tư duy làm DL, bởi sau khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, người dân đã có biến chuyển về quan điểm, cách tiếp cận cuộc sống. Do đó, họ cũng đòi hỏi những nhu cầu khác hơn trước kia khi đi DL. Nếu doanh nghiệp DL không nắm bắt được tâm lý này sẽ rất khó hoạt động hiệu quả”.

Ông Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp DL, nhất là đơn vị có quy mô vừa và nhỏ, không thể cứ ngồi chờ khách đến như trước đây mà phải có chiến lược marketing phù hợp, tạo được sự quan tâm cho du khách. Đồng thời, phải xây dựng được niềm tin cho du khách trong đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Bởi lẽ, đi DL và tận hưởng cuộc sống sau đại dịch là nhu cầu chính đáng của mọi người, nhưng an toàn trước dịch bệnh vẫn cần phải ưu tiên hàng đầu.

“Để du khách có niềm tin, doanh nghiệp DL cần đẩy mạnh giới thiệu hình ảnh của mình bằng việc nêu rõ khả năng phục vụ về cơ sở vật chất, phòng ở, bãi đậu xe, điều kiện giao thông và nhiều thứ khác nhằm giúp du khách có cái nhìn tổng quan hơn. Trước đây, đa phần doanh nghiệp DL chưa xây dựng được cổng thông tin điện tử cho đơn vị mình thì nay, việc này là tất yếu, bởi du khách có nhu cầu tìm hiểu rất rõ nơi mình đến trước khi sử dụng dịch vụ. Trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, việc cung cấp cho du khách những thông tin chi tiết sẽ tạo điều kiện để họ yên tâm sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp DL tại An Giang” - ông Lê Trung Hiếu phân tích.

Thay đổi cách làm

Hoạt động tập huấn phục hồi kinh tế cho các doanh nghiệp DL An Giang thời “hậu COVID-19” đã cung cấp cho các đơn vị những thông tin về tác động của dịch bệnh đến ngành DL và xu hướng DL sau dịch bệnh. Xác định các phương pháp cập nhật, làm mới sản phẩm phù hợp với tình hình. Mô tả việc sử dụng công nghệ số trong phát triển DL. Liệt kê các nền tảng, công cụ trong chiến lược marketing. Xác định các đầu công việc mà doanh nghiệp DL phải làm để phục hồi và phát triển sau đại dịch.

“Điều quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp DL phải đáp ứng yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch sau khi nối lại hoạt động. Trong đó, phải đảm bảo giãn cách, hạn chế số lượng phục vụ cũng như các điều kiện về vệ sinh, khử khuẩn nơi lưu trú của du khách. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về việc du khách phải đảm bảo một số yêu cầu để được phục vụ, nhất là tiêm vaccine đầy đủ và đảm bảo “5K”. Tất cả các vấn đề này, doanh nghiệp DL cần công khai lên cổng thông tin của đơn vị để du khách nắm trước khi sử dụng dịch vụ” - ông Lê Trung Hiếu gợi ý.

Đặc biệt, doanh nghiệp DL cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình phục vụ, như: nhân viên thực hiện đầy đủ “5K”, khuyến cáo du khách tự phục vụ trong một số trường hợp để hạn chế tiếp xúc hoặc việc lấy thông tin sức khỏe, hỏi thăm du khách ngay cả khi họ trở về nhà sau quá trình lưu trú, sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp DL. Để thực hiện tốt những yêu cầu này, đòi hỏi doanh nghiệp DL phải thay đổi cách làm. Họ phải xây dựng được kế hoạch phục hồi hoạt động, nhấn mạnh đến các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, trước khi trở lại guồng quay trước đây. Tuy nhiên, doanh nghiệp DL sẽ phải tốn nhiều nhân lực và chi phí hơn trong hoạt động, nên rất cần sự hỗ trợ của du khách khi mức giá phục vụ có cao hơn trước.

“Tuy dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng ngành DL tại An Giang cần có bước đi thận trọng, an toàn và chủ động để thích ứng với tình hình. Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp DL phải có kế hoạch cụ thể, nêu rõ biện pháp phòng, chống dịch cũng như phương án trở lại hoạt động để có thể đón tiếp du khách như trước đây. Hiện nay, cần thí điểm hỗ trợ các doanh nghiệp DL đủ điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại khu vực núi Cấm hoặc rừng tràm Trà Sư trở lại hoạt động, trước khi thực hiện đồng loạt nhiều nơi. Mục tiêu của chúng tôi là từng bước khởi động lại hoạt động DL An Giang trên cơ sở đảm bảo an toàn cho cộng đồng” -  ông Lê Trung Hiếu khẳng định.

Nguồn: baoangiang.com.vn