Đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh

19/04/2021 10:01

An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế, với nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp, chùa chiền mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng, nhiều di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật phong phú đa dạng... Để đẩy mạnh phát triển du lịch (DL) từng bước trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, thời gian qua, An Giang đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển DL trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Từng bước củng cố hoạt động DL, đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo cho công tác xúc tiến, quảng bá, khai thác tiềm năng, lợi thế DL sẵn có.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp, An Giang là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về DL đứng đầu các tỉnh ĐBSCL, tiêu biểu nhất là DL tín ngưỡng, DL sinh thái, nghỉ dưỡng, DL nông nghiệp, tạo nên nhiều khu, điểm DL đặc thù. Để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế sẵn có, từ năm 2013 đến nay, ngành DL tỉnh tập trung đầu tư phát triển 4 sản phẩm DL, gồm: DL tâm linh; DL tham quan, nghỉ dưỡng; DL sinh thái, sông nước; DL tham quan các di tích văn hóa, lịch sử.

 

 

Tuyến đường từ đường tránh quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc). Ảnh: T.T

Đặc biệt, tỉnh đã tập trung nguồn vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng DL trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền 210 tỷ đồng. thực hiện đầu tư 5 dự án, gồm: khu DL núi Sập, hồ Soài So; cơ sở hạ tầng khu DL núi Cấm; tuyến đường từ đường tránh Quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông (phường Núi Sam); dự án nâng cấp, cải tạo đường lên đỉnh núi Sam (TP. Châu Đốc). Từ năm 2013-2020, An Giang đã thu hút hơn 29 dự án (khu công viên trò chơi núi Cấm, cáp treo núi Cấm, Khu DL văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - cáp treo núi Sam, dự án khách sạn nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc…), với tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng. Những dự án này sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng hứa hẹn sẽ tạo nhiều điểm nhấn để thu hút du khách đến An Giang và lưu trú lâu hơn.

Tỉnh đã tập trung khai thác các sản phẩm DL gắn với hoạt động văn hóa, như: bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam và Hội đua bò Bảy Núi. Theo đó, đã tổ chức thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam, xây dựng hồ sơ quần thể di tích núi Sam đề nghị xếp hạng là Khu di tích quốc gia đặc biệt và hồ sơ Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đồng thời, xây dựng sân đua bò tại khu vực hồ Soài Chek (xã Núi Tô, Tri Tôn), sân đua bò có diện tích rộng 5,5ha, giao thông kết nối thuận lợi, gần trung tâm huyện Tri Tôn, gần khu DL Soài So - Suối Vàng nên thuận lợi cho du khách đến thưởng ngoạn đua bò, khám phá những cảnh đẹp của Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), thưởng thức ẩm thực Tri Tôn. Đã thẩm định và cấp giấy phép trùng tu, tôn tạo 84 di tích trên địa bàn tỉnh. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam; hội đua bò Bảy Núi và kỹ thuật khắc chữ trên kinh Lá Buông.

 

 

Ngôi nhà sàn thời niên thiếu của Bác Tôn. Ảnh: T.H

Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển DL. Theo đó, đã tổ chức 30 chuyến khảo sát, giới thiệu DL An Giang, như: làng nghề, Tour DL mùa nước nổi, DL tâm linh kết hợp tham quan chợ biên giới, DL Homestay kết hợp DL nông nghiệp… cho hàng trăm lượt các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh, các địa phương, Hiệp hội DL ĐBSCL, các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh. Tham gia hàng trăm sự kiện hội chợ DL, hội chợ thương mại, liên hoan ẩm thực…

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 đã mang lại những kết quả phấn khởi. Giai đoạn 2013-2020, tổng lượt khách đến An Giang đạt 55.976.000 lượt, trong đó lượt khách do các doanh nghiệp kinh doanh DL phục vụ hơn 5.500.000 lượt, khách quốc tế hơn 594.000 lượt. Lượt khách tăng cao qua từng năm. Doanh thu ngành DL trong giai đoạn này ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng (trong đó, doanh thu lưu trú 2.500 tỷ đồng; doanh thu lữ hành khu, điểm DL 2.300 tỷ đồng; doanh thu khác 20.200 tỷ đồng).

 

Lễ phục hiện rước Bà Chúa Xứ núi Sam

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định DL là động lực cho phát triển kinh tế. Đồng thời, xác định khâu đột phá là đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, phát triển thế mạnh về thương mại, dịch vụ và DL; các loại hình dịch vụ DL. Phát triển đồng bộ các loại hình DL tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng. Đa dạng hóa các sản phẩm DL, khuyến khích những loại hình văn hóa, giải trí về đêm… để thu hút, giữ chân du khách. Phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, di tích văn hóa, lịch sử để tạo sự khác biệt của ngành DL tỉnh. Phát triển ngành DL của tỉnh theo hướng “DL văn hóa tâm linh” trọng điểm của cả nước. Phát triển DL gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân…

Nguồn:baoangiang.com.vn