Đặc sắc hội đua thuyền đình Bình Thủy

21/07/2018 17:24

Là hoạt động thể thao (TT) truyền thống của xứ cù lao Bình Thủy (Châu Phú), giải đua thuyền nhân lễ Kỳ yên hàng năm thực sự là sân chơi độc đáo của người dân địa phương. Đến với hội đua thuyền, mọi người có thể cảm nhận được nét đẹp văn hóa (VH) của ngôi làng mấy trăm năm tuổi nép mình bên xép Năng Gù hiền hòa này.

Đến hẹn lại lên, người dân Bình Thủy lại nô nức trẩy hội Kỳ yên vào ngày 10-5 âm lịch hàng năm. Với người dân xứ cù lao này, cúng đình là dịp để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thới dân an.

Đồng thời, lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy còn là dịp để họ trải nghiệm các hoạt động TT đặc sắc, như: hội thi xe hoa, hội thi kéo co, trò chơi bịt mắt đập heo đất, đổ nước vào chai, bắt cá lóc trong hồ, thổi bong bóng bằng co nước, múa mọi... Trong đó, độc đáo nhất là giải đua thuyền truyền thống thu hút các đội đua trong, ngoài xã tham gia.

Nói về lịch sử giải đua thuyền, ông Nguyễn Văn Đúng, cán bộ phụ trách VH-TT xã Bình Thủy, cho biết: “Từ ngày tôi còn rất nhỏ đã biết đến hội đua thuyền vào lễ Kỳ yên hàng năm. Đến nay, tôi đã gần 60 tuổi đời nên có thể khẳng định giải có từ lâu lắm. Với điều kiện sông nước như Bình Thủy, đua thuyền vừa là hoạt động để vui chơi nhưng cũng mang tính VH địa phương. Do đó, người dân Bình Thủy luôn trông chờ giải đua thuyền truyền thống để được hòa mình vào không khí hào hứng của nó”.

 

Đặc sắc hội đua thuyền đình Bình Thủy

Các đội đua quyết liệt tranh tài 

Theo ông Đúng, Giải đua thuyền truyền thống đình Bình Thủy với bề dày lịch sử mấy mươi năm đã thu hút khá đông các đội đua trong, ngoài địa phương tham gia. Có những năm giải đón nhận cả những đội thuyền ở Kiên Giang, TP. Cần Thơ đến tham dự, tạo nên không khí hấp dẫn.

“Dù chỉ là giải ở địa phương nhưng số lượng đội đua tham gia khá đông, thường trên 30 đội/năm. Giải đấu nay có 36 đội trong, ngoài xã tham dự. Chúng tôi thường tổ chức đua thuyền truyền thống hay có năm đua thuyền rồng đều nhận được sự tham gia tích cực từ các đội”- ông Đúng cho hay.

Chính vì giải đấu đã trở thành truyền thống nên các ấp trong xã Bình Thủy thường có 2 – 3 đội thuyền đua. Đặc biệt, mỗi đội sẽ tự trang bị phương tiện thi đấu với việc thuê thợ giỏi đóng thuyền cho mình. Thuyền làm bằng gỗ cây thao lao nên khá nhẹ và thiết kế sao cho có sức vọt tốt nhất.

Trước thời điểm diễn ra giải khoảng 2 tháng, các đội đã bước vào tập luyện trên xép Năng Gù. Nếu thuyền chưa đạt họ sẽ gỡ ra đóng lại. Các thành viên trong đội đua cũng tích cực tập luyện sao cho thể lực tốt nhất nhằm hướng đến thứ hạng cao.

Do có nhiều đội tham dự nên Ban Tổ chức phải chia làm 6 bảng đấu (mỗi bảng 6 đội) ở vòng loại. Sau đó, chọn 6 đội nhất bảng vào thi đấu chung kết A và 6 đội nhì bảng thi đấu chung kết B với cơ cấu giải thưởng khác nhau. Các đội đều thi đấu rất nỗ lực và đã tạo nên những màn tranh tài sôi nổi trên mặt nước Năng Gù.

Ngày giải khởi tranh, cả khúc sông náo nhiệt với tiếng hò reo, ca hát từ những chiếc “thuyền hoa” của lực lượng cổ động viên. Trên bờ, dưới nước tấp nập tiếng người la hét, cổ vũ cho các vận động viên (VĐV) mạnh tay chèo đưa những chiếc thuyền băng băng về đích.

Với cự ly thi đấu 5.000m, mỗi cuộc đua thực sự là màn “tra tấn” thể lực đối với các vận động viên. Tuy nhiên, khát khao chiến thắng đã giúp họ vượt qua tất cả. “Các đội thi đấu trên tinh thần cống hiến chứ không vì vật chất. Thậm chí, có những cá nhân đứng ra tổ chức đội và lo kinh phí để anh em cùng tham gia đã cho thấy tinh thần hăng say, sẵn sàng đóng góp cho phong trào thể thao địa phương. Thực tế, chúng tôi đã xã hội hóa hoàn toàn kinh phí của giải từ nhiều năm nay và sẽ nỗ lực thực hiện công tác này trong thời gian tới” -  ông Đúng thật tình.

Trong ngày giải đấu diễn ra, Ban Tổ chức còn nhận được sự hỗ trợ của Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy An Giang, Công an huyện Châu Phú nên công tác đảm bảo an ninh trật tự khá tốt. Đây cũng là “điểm cộng” cho công tác tổ chức dù giải chỉ mang tính phong trào tại địa phương.

“Với truyền thống của giải đấu, chúng tôi sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng công tác tổ chức trong những năm tới. Mong rằng, Giải đua thuyền truyền thống đình Bình Thủy sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để mãi là sân chơi VH-TT độc đáo của xứ cù lao”- ông Nguyễn Văn Đúng mong mỏi.

 

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới