Cộng đồng chung sức xây dựng cầu nông thôn

07/06/2018 16:05

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn (NT) trên địa bàn An Giang (giai đoạn 2016-2020) đã thu được nhiều kết quả ấn tượng. Hàng trăm tỷ đồng cùng hơn 40.000 ngày công lao động, 288m2 đất đã được các doanh nghiệp (DN), nhà hảo tâm và người dân tự nguyện đóng góp, giúp hệ thống giao thông NT ngày càng hoàn thiện.

Nở rộ phong trào thiện nguyện

Có thể nói, An Giang là một trong những địa phương có phong trào xây dựng cầu đường mạnh nhất ĐBSCL. Những đội thi công cầu NT gắn liền với tên người chủ xướng như: Sáu Quý, Út Ngộ, Tám Ngợi, Ba Đạt… đã thu hút được đông đảo người dân có tấm lòng thiện nguyện tham gia. Sự chung sức của họ cùng với sự đồng hành của các DN, nhà hảo tâm, sự đồng lòng của người dân đã giúp những cây cầu tre, cầu ván lắc lư dần được thay thế.

“Các đội thi công cầu, đường ngày càng mang tính chuyên nghiệp cao, đã xây dựng được các công trình cầu bê-tông cốt thép đạt yêu cầu kỹ thuật và chất lượng, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ngày thêm khởi sắc và hoàn thiện” - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Đỗ Văn Thơm đánh giá.

Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu NT trên địa bàn An Giang (giai đoạn 2016-2020) đạt hiệu quả khá tốt khi trong 2 năm 2016-2017, trên địa bàn An Giang đã có 179 cầu NT được xây dựng hoàn thành với tổng vốn đầu tư hơn 215,5 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ các nguồn trong xã hội 195,4 tỷ đồng; người dân đóng góp 40.084 ngày công và 288m2 đất. Số cầu được xây dựng cứ tăng dần, nếu như năm 2016 đạt 85 cầu thì năm 2017 đạt 94 cầu, riêng quý I-2018, đã có thêm 6 cây cầu được xây dựng.

“Với chủ trương giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, công tác xã hội hóa lĩnh vực giao thông tạo điều kiện thu hút nhiều nguồn lực khác đầu tư vào công trình cầu giao thông NT. Qua đó, đảm bảo nhu cầu đi lại thuận lợi, phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực NT, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, giảm bớt khoảng cách giữa khu vực thành thị và NT. Kể từ khi thực hiện đề án, công tác vận động xã hội hóa cầu NT có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng cao và đa dạng” - ông Thơm nhận xét.

 

Cộng đồng chung sức xây dựng cầu nông thôn

Cần tiếp tục phát huy vai trò cộng đồng trong xây dựng cầu nông thôn

Giảm thủ tục, chú trọng vào chất lượng

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng 481 cây cầu NT. Như vậy, trong 2 năm 2016-2017, đã thực hiện khoảng 38% kế hoạch, thời gian 3 năm để hoàn thành 62% số cầu còn lại không phải dễ bởi kinh phí xây dựng cầu bê-tông hiện nay khá lớn.

Để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đóng góp cho Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu NT, cần chú trọng vào chất lượng công trình, cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết, tăng cường vai trò tham gia, chủ động giám sát của người dân.

Thực tế cho thấy, cùng một cây cầu có quy mô, kết cấu tương tự nhau nhưng dự toán xây dựng ở mỗi địa phương lại có sự chênh lệch khá lớn. Nguyên nhân, do có công trình đòi hỏi nhiều thủ tục, phát sinh thêm các chi phí giải phóng mặt bằng, thiết kế bản vẽ, quản lý, tư vấn, giám sát, thủ tục hoàn công, quyết toán…

Trong khi đó, với công trình do các đội thi công cầu NT thực hiện, họ tự thiết kế, xây dựng, phát huy vai trò tham gia hiến đất, đóng góp ngày công, phục vụ cơm, nước, tự bảo vệ, quản lý vật tư… nên chi phí rẻ hơn một nửa, thậm chí chỉ bằng 1/3 mà chất lượng công trình không thua kém.

Việc phát huy vai trò các đội thi công cầu NT theo cách làm tiết kiệm mà chất lượng đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận nơi người dân, DN, khuyến khích các nguồn lực đóng góp nhiều hơn.

Điển hình như ở TP. Long Xuyên, dù chỉ tiêu xây dựng cầu giai đoạn 2016-2017 là 12 cây nhưng địa phương đã thực hiện đạt 21 cây, gần đạt chỉ tiêu cả giai đoạn 2016-2020 (23 cầu). Một trong những nguyên nhân thành công là địa phương phát huy tốt vai trò chung sức của cộng đồng khi tổng kinh phí xây dựng 21 cây cầu chỉ hơn 9,3 tỷ đồng (bình quân khoảng 443 triệu đồng/cầu).

Có những DN như Công ty TNHH May XNK Đức Thành chẳng những đóng góp kinh phí, mà còn trực tiếp liên hệ đội thi công từ thiện, cùng người dân tham gia giám sát.

“Với cách kết hợp này, năm 2017, công ty đã xây dựng 3 cây cầu, dự kiến năm 2018 xây dựng thêm 5 cây cho phường Mỹ Thới. Điều quan trọng nhất là xây dựng được thêm nhiều cây cầu, nối liền các tuyến đường NT nên phải cắt giảm các chi phí không cần thiết. Sau khi đưa vào sử dụng, phải thường xuyên bảo trì, sơn phết để sử dụng lâu dài” - ông Nguyễn Xuân Hải, đại diện Công ty TNHH May XNK Đức Thành chia sẻ.

Cũng với cách làm tiết kiệm, phát huy vai trò cộng đồng, có những địa phương như Tri Tôn xây dựng 25 cây cầu chỉ với 8,14 tỷ đồng, Thoại Sơn xây 26 cây cầu với gần 11 tỷ đồng, Châu Thành xây dựng 24 cây với gần 11,9 tỷ đồng… Đó là những cách làm hay cần tiếp tục phát huy.

 

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới