Chống buôn lậu - cần một giải pháp toàn diện, đồng bộ

15/04/2021 10:08

Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian gần đây đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Cụ thể, qua đấu tranh, nhiều tội phạm buôn lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, nhiều đường dây buôn lậu bị bóc gỡ nhằm lập lại trật tự trong công tác này.

Từ thành tích đạt được

Hai trong nhiều thành tích nổi bật của lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đạt được thời gian qua đó là việc bắt giữ 51kg vàng của bà Nguyễn Thị Kim Hạnh (tên thường gọi Mười Tường, 51 tuổi, ngụ xã Đa Phước, An Phú) và việc ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Trí Mãnh (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Gia Thịnh, sinh năm 1980, thường trú tại số 95, đường Nguyễn Hữu Cảnh, thuộc tổ 19, khóm 6, phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

 

 

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại

Qua công tác đấu tranh cho thấy, trong vụ án thứ nhất, đường dây buôn lậu do bà Mười Tường cầm đầu có thủ đoạn hết sức tinh vi. Cụ thể, Mười Tường có mối quan hệ chằng chịt với các đối tượng đầu nậu ở Campuchia, lập ra nhiều công ty, doanh nghiệp để lực lượng chức năng khó theo dõi, đồng thời tạo vỏ bọc cho mình bằng việc đẩy mạnh công tác xã hội - từ thiện ở vùng biên giới, tạo nhiều mối quan hệ để dễ làm ăn. Đường dây buôn lậu này có chân rết rất rộng và không chỉ buôn lậu vàng mà còn buôn lậu nhiều mặt hàng khác, như: đường cát, hàng điện lạnh...

Đối với Trần Trí Mãnh, tại thời điểm kiểm tra chi nhánh của công ty, cơ quan chức năng phát hiện nhiều tang vật: 1.000 thùng, can và phuy chứa nhớt, có thể tích từ 10-200 lít; trên 1.360 thùng giấy bên trong có chứa nhiều chai nhớt của nhiều nhãn hiệu nhớt khác nhau và gần 1.000 bao, thùng giấy chứa phụ tùng xe môtô… Điều đáng nói, 2 vụ án này đều nằm ở địa bàn TP. Châu Đốc, nơi đóng quân của nhiều lực lượng tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, như: quản lý thị trường, biên phòng, hải quan và công an…

Đến giải pháp toàn diện

Chỉ hơn 2 tháng đầu năm 2021, thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), lực lượng công an tỉnh đã điều tra làm rõ 35 vụ hình sự, bắt giữ 456 vụ vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại (tăng 60,6% so cùng kỳ); tang vật thu giữ, gồm: 197.464 bao thuốc lá ngoại, 16.300kg đường cát, 48 xe ôtô, 108 xe môtô, 9 ghe máy... Tổng giá trị hàng hóa hơn 8,8 tỷ đồng.

“Khi báo chí đăng tải lực lượng công an bóc gỡ đường dây buôn lậu Mười Tường và đồng bọn, chúng tôi cho đây là việc làm rất khó và vất vả. Không những có Mười Tường, Trí Mãnh mà nhiều đối tượng khác đã bị bắt, nhiều hàng hóa buôn lậu qua biên giới bị phát hiện, bắt giữ. Từ tháng 9-2020 đến nay, khi lực lượng chống buôn lậu siết chặt biên giới, đối tượng buôn lậu đã "chùn chân" và thực tế các mặt hàng lậu, như: thuốc lá, đường cát đều tăng giá. Điều này cho thấy công tác đấu tranh đạt kết quả rất rõ rệt” - ông Trần Văn Sự (phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) chia sẻ.

 Qua công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho thấy, nếu chỉ tổ chức bắt giữ thì chưa đủ bởi công tác này cần phải thực hiện toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau; thực hiện từ Trung ương đến xã, phường mới có thể tạo được chuyển biến thực chất.

Cụ thể, ngoài việc phân công nhiệm vụ trong lực lượng chống buôn lậu, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người  dân trong việc không sử dụng các mặt hàng cấm, như: thuốc lá điếu ngoại nhập lậu; hàng điện máy nhập lậu; không tiếp tay cho buôn lậu thông qua việc đai, vác hàng lậu trên tuyến biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đối với doanh nghiệp trong nước, cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao để cạnh tranh với hàng nhập lậu; bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong tố giác buôn lậu và các loại tội phạm…

Có vậy thì công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại mới có thể tạo được nhiều chuyển biến, góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước.

“Cái khó trong công tác bắt giữ hàng lậu hiện nay tại địa phương là đường cát bắt được không có nơi cất giữ, chúng tôi phải sử dụng phòng làm việc, nơi ăn ở của lực lượng công an để cất giữ. Từ tháng 7-2020 đến nay, số đường cát bắt giữ vẫn chưa thu gom, mang đi đấu giá, từ đó chất lượng đường bị giảm, công tác bảo quản khó khăn”- trung tá Nguyễn Quang Lập, Trưởng Công an phường Long Châu (TX. Tân Châu) chia sẻ.

Nguồn:baoangiang.com.vn