“Chạy đua” giải ngân vốn đầu tư công

05/12/2023 07:16

So cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt tốt hơn. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu giải ngân hết 100% nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang và giải ngân ít nhất 95% nguồn vốn năm 2023, đòi hỏi các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là khắc phục các nút thắt ảnh hưởng tiến độ công trình, dự án.

Nỗ lực giải ngân

Năm 2023, tổng các kế hoạch đầu tư công giao cho An Giang gần 8.121,9 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023 hơn 473,6 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công năm 2023 gần 7.648,3 tỷ đồng.

Dù nguồn vốn phân bổ lớn hơn nhiều so năm 2022 nhưng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) An Giang, nhờ nỗ lực chung của tỉnh, kết quả giải ngân đến hết tháng 10/2023 đạt gần 5.046,5 tỷ đồng, đạt 62,13% so tổng kế hoạch đầu tư công. So cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải ngân cao hơn 25,98% và tăng gần 2.029 tỷ đồng về giá trị.

“Tuy tỷ lệ giải ngân đạt thấp hơn yêu cầu đề ra (chỉ tiêu từ 70 - 80%), nhưng là quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các chủ đầu tư, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố” - Giám đốc Sở KH&ĐT An Giang Phạm Minh Tâm đánh giá.

 

Thường xuyên kiểm tra, đốc thúc các công trình đầu tư công

 

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ là các dự án có nguồn vốn lớn thường bị vướng khâu bồi thường và giải phóng mặt bằng, cộng thêm phát sinh điều chỉnh thủ tục, làm chậm quá trình giải ngân. Trong khi đó, chủ trương cho phép kéo dài vốn năm 2022 sang 2023 chậm (vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài vào ngày 17/4/2023; vốn ngân sách Trung ương cho phép kéo dài vào ngày 5/5/2023)

Đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương còn gặp khó trong rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng, thiếu hướng dẫn thực hiện…

Nỗi lo mặt bằng “da beo”

Trong các dự án đang triển khai, Dự án thành phần 1 thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) là công trình trọng điểm quốc gia, có nguồn vốn lớn nhất hiện nay (chiều dài qua An Giang hơn 57km, tổng mức đầu tư giai đoạn 2022 - 2027 gần 13.526,2 tỷ đồng).

Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh (chủ đầu tư) Nguyễn Văn Du cho biết, cả 4 gói thầu chính của dự án đều đã phê duyệt thầu; các nhà thầu đang triển khai thi công đào, đắp nền đường, thi công móng cọc các cầu, cống. Đối với các địa phương có dự án đi qua (TP. Châu Đốc, huyện Châu Phú, Châu Thành và Thoại Sơn), đã hoàn thành kiểm kê được 1.530/1.530 hộ dân; đã phê duyệt phương án bồi thường 1.528 hộ với số tiền 1.699 tỷ đồng, trong đó đã chi tiền bồi thường được 1.391 hộ, số tiền 1.494 tỷ đồng.

 

 

Khó khăn hiện nay là còn 138 hộ chưa nhận tiền bồi thường, trong đó có 2 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường (huyện Châu Thành 1 hộ, huyện Thoại Sơn 1 hộ), 136 hộ đã phê duyệt phương án bồi thường (huyện Châu Phú 41 hộ, huyện Châu Thành 42 hộ, huyện Thoại Sơn 53 hộ).

“Các vị trí vướng mặt bằng của những hộ dân chưa nhận tiền bồi thường nằm ngắt đoạn không liền tuyến, đặc biệt tại các cầu, hầu hết đều vướng mặt bằng ở vị trí đầu vào (cầu Kênh Đào, cầu Kênh Vịnh Tre, cầu Kênh 13, cầu Mặc Cần Dưng mới, cầu Rạch Ba Dầu, cầu Kênh Rạch Giá - Long Xuyên, cầu Sông Quanh, cầu vượt Đường tỉnh 943, cầu Kênh T12, cống T16, cầu Kênh Đòn Dông) nên không thể tập kết thiết bị thi công, vật tư để tổ chức triển khai thi công đồng loạt các hạng mục cầu, không tiếp cận được các vị trí mặt bằng đã giao phía trong” - ông Du thông tin.

 

 

Theo Sở KH&ĐT An Giang, ngoài cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nhiều công trình trọng điểm khác của tỉnh cũng đang vướng mặt bằng, như: Tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; nâng cấp Đường tỉnh 949; nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (Đường tỉnh 945); nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 941 (đoạn từ cầu số 16 đến ngã 3 giao nhau giữa Đường 3/2 và đường Hùng Vương); nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 943 (đoạn từ ngã 3 đường số 1 đến cầu Phú Hòa); cầu Phú Vĩnh; tạo quỹ đất xây dựng Trung tâm Đào tạo huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao tỉnh An Giang; tạo quỹ đất và đầu tư hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh An Giang; dự án đường số 8 và số 15 thuộc Khu quy hoạch Bắc Hà Hoàng Hổ; Trạm Kiểm soát liên hợp Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương.

Gỡ khó, hoàn thành nhiệm vụ

Để đạt mục tiêu cơ bản hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) vào năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027 theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu đảm bảo nguồn cát san lấp nền đường và giao mặt bằng sạch liền tuyến rất quan trọng. Trong đó, đòi hỏi phải sớm hoàn thành các khu tái định cư để người dân ổn định chỗ ở mới, đồng thuận nhận bồi thường.

 

 

“Các địa phương tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, phấn đấu đến ngày 31/12/2023 bàn giao mặt bằng 100%. Đặc biệt, cần khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với khu tái định cư, sớm triển khai thi công xây dựng hoàn thành khu tái định cư, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.

Để thực hiện đạt chỉ tiêu giải ngân năm 2023, UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường lãnh, chỉ đạo, chủ động trong tổ chức thực hiện; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân. Các đoàn kiểm tra công trình trọng điểm năm 2023 của tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, nhằm phát hiện vướng mắc và xử lý hiệu quả. Đối với Tổ công tác xử lý khó khăn và vướng mắc của tỉnh, duy trì họp định kỳ hàng tuần để giúp các chủ đầu tư xử lý và báo cáo kịp thời về UBND tỉnh. 

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới