Châu Phú chăm lo an sinh xã hội

04/12/2023 11:05

Thời gian qua, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) thực hiện kịp thời Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm

 

Theo UBND huyện Châu Phú, nguồn vốn sử dụng cho mục tiêu giảm nghèo được quản lý, điều hành thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm; công tác tuyên truyền giảm nghèo được thực hiện thông qua nhiều hình thức. Chính sách miễn giảm học phí, chi phí học tập đối với học sinh, hỗ trợ tín dụng phát triển sản xuất, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời, giúp người nghèo có việc làm, tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống.

Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Châu Phú Nguyễn Trần Trung Sơn cho biết: “Đầu năm 2023, huyện có 1.527 hộ nghèo (tỷ lệ 2,7%) và 2.582 hộ cận nghèo (4,5%). Thông qua hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ)… đến cuối năm, huyện còn 1.240 hộ nghèo (giảm 0,5%), 2.009 hộ cận nghèo (giảm 1%). Hơn 4.300 lao động được giải quyết việc làm (đạt 103% kế hoạch đề ra), trong đó, 2.985 lao động làm việc ngoài tỉnh. Ngoài ra, đã đưa 42 lao động đi làm việc ở nước ngoài (đạt 131% kế hoạch)”.

Huyện Châu Phú chú trọng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, bố trí cán bộ hàng năm rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên cơ sở bình xét của Nhân dân, gắn công tác giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Nhờ đó, việc cập nhật, quản lý danh sách hộ nghèo, cận nghèo, cấp giấy chứng nhận hộ nghèo được thực hiện kịp thời, đảm bảo hỗ trợ đúng mục tiêu, đối tượng.

 

Hỗ trợ nhà Tình nghĩa

 

Cùng với thực hiện công tác giảm nghèo, các cấp, ngành huyện Châu Phú còn quan tâm, triển khai đầy đủ, kịp thời chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định. Từ đầu năm đến nay, đã cấp tiền điều dưỡng tại gia đình cho 132 người có công và thân nhân người có công; cấp kinh phí phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 12 thương binh theo niên hạn sử dụng năm 2023; cấp tiền thờ cúng cho 413 gia đình liệt sĩ; cấp tiền cho 15 người có công cách mạng gặp khó khăn đột xuất và hỗ trợ mai táng phí; cất sửa 4 căn nhà Tình nghĩa từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh và huyện.

Ông Nguyễn Trần Trung Sơn thông tin thêm: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách, chế độ ưu đãi người có công, tăng cường kiểm tra chi trả trợ cấp tại xã, thị trấn để phòng ngừa tiêu cực, sai phạm xảy ra. Đồng thời, củng cố, phát triển phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo ngày càng tốt hơn người có công với cách mạng. Ngoài ra, quan tâm trợ giúp kịp thời cho đối tượng gặp thiên tai, hỏa hoạn đột xuất; đảm bảo trợ cấp cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống”.

Dự kiến, năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện Châu Phú đạt 56%, có 4.400 lao động được giải quyết việc làm ở các lĩnh vực, đưa 32 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5% (áp dụng chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022 – 2025).

Thực hiện mục tiêu đề ra, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ nâng cao chất lượng công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm cho NLĐ, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, UBND xã, thị trấn và đơn vị liên quan tổ chức phiên giao dịch việc làm năm 2024. Theo đó, công tác dạy nghề sẽ lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình khuyến công, khuyến nông; phối hợp doanh nghiệp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng để giải quyết lao động tại chỗ, giúp NLĐ sau khi học nghề gắn bó, làm việc lâu dài với doanh nghiệp…

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới