Cần thiết đầu tư các hồ chứa nước vùng cao

14/04/2021 12:01

Cùng với ý nghĩa ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng cháy, chữa cháy rừng, những hồ chứa nước vùng cao còn là cách tạo sinh kế quanh năm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi. Đầu tư thêm các hồ chứa nước vùng cao là giải pháp phát triển bền vững cho vùng núi còn nhiều khó khăn.

Nông dân Khmer hưởng lợi

Vào mùa nắng nóng hiện nay, vùng Bảy Núi như đổ lửa, phần lớn đất ruộng trên khô khan. Mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp kèm theo nắng nóng, nguồn nước từ các giếng, suối và nguồn nước dự trữ không đảm bảo sử dụng nên đã xảy ra thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cục bộ, đặc biệt ở vùng cao ven các đồi núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống, như các xã: Ô Lâm, An Tức, Núi Tô, Cô Tô, Lê Trì (Tri Tôn); An Cư, An Hảo, Tân Lợi, Văn Giáo, Núi Voi, thị trấn Chi Lăng, Thới Sơn, Vĩnh Trung, An Nông, Nhơn Hưng, An Phú (Tịnh Biên).

 

 

Hồ chứa nước trên núi Cấm

Trái ngược với hình ảnh khô cằn bao năm qua, những diện tích bên dưới các hồ chứa nước vùng cao vẫn xanh tươi dù đang cao điểm mùa khô. Tại xã Ô Lâm (Tri Tôn), sau khi hồ chứa nước Ô Thum được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, người dân Khmer trong vùng không chỉ có được nguồn nước sinh hoạt quanh năm mà 130ha đất phía dưới hồ cũng được cấp nước để sản xuất nông nghiệp liên vụ. “Trước đây, vào mùa mưa, nước tuôn ào ào từ núi Cô Tô xuống, cuốn trôi đất đá, gây hư hỏng đường giao thông. Còn vào mùa khô, đất đai gần như bỏ hoang bởi không có nước tưới. Người dân phải đợi đến mùa mưa, lượng nước trên ruộng nhiều mới tiến hành cấy lúa vụ mùa hoặc gieo đậu xanh, mè, đậu phộng. Do canh tác lệ thuộc vào thời tiết nên năm có ăn, năm mất mùa, đời sống rất khó khăn. Từ khi có hồ Ô Thum, một phần nước mưa từ núi Cô Tô được trữ vào hồ, giúp kiểm soát lũ núi. Tận dụng nguồn nước tích trữ này, người dân có thể sản xuất quanh năm, không lo thiếu nước sinh hoạt. Nhờ vậy mà nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống khá hơn” - ông Chau Sóc Khách (người dân sống gần hồ Ô Thum) chia sẻ.

Giờ đây, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hồ Ô Thum còn thu hút khá đông du khách đến tham quan, “check-in”, dừng chân thưởng thức món gà đốt Ô Thum đặc trưng Khmer.

Đối với hồ Soài Chek (xã Núi Tô, Tri Tôn), sau khi đưa vào vận hành, đã cung cấp nước tưới cho 140ha đất nông nghiệp sau hồ, giúp nông dân Khmer nâng từ 1 vụ lên 3 vụ/năm (xen lúa và màu), phát triển được cây ăn trái, mô hình nhà lưới, mở rộng chăn nuôi. Nhờ cảnh quan đẹp, hồ Soài Chek cũng thu hút khá đông du khách. Tại đây, UBND huyện Tri Tôn đang tập trung đầu tư thành khu du lịch kết hợp thể thao địa hình, đua bò Bảy Núi, biểu diễn dù lượn, văn hóa Khmer… tạo thành điểm nhấn thu hút du lịch.

Cần đầu tư thêm

Theo thiết kế, lòng hồ Soài Chek có dung tích chứa 293.000m3, nguồn nước từ ngưỡng tràn của hồ chảy xuống cung cấp nước sản xuất, phục vụ nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS Khmer và kết hợp bảo vệ rừng phòng hộ trong lưu vực rộng đến 2,26km2. Hồ Soài So và Ô Thum cũng có chức năng tương tự, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện chức năng trữ nước, điều tiết lũ núi quanh Phụng Hoàng Sơn, vốn là nguyên nhân gây nhiều thiệt hại cho người dân Khmer trong vùng.

Ở xã Lương Phi (Tri Tôn), hồ chứa nước Ô Tà Sóc dưới chân núi Dài giữ vai trò rất quan trọng đối với cảnh quan thiên nhiên cũng như sinh kế của người dân trong vùng. Hồ nước như làm dịu cái nóng miền núi, giúp những vườn xoài, chuối, những rẫy hoa màu của người dân phát triển xanh tốt quanh năm.

 

 

Ở huyện Tịnh Biên, hồ chứa nước Ô Tứk Sa (xã An Cư) đang phát huy rất tốt chức năng đề ra ban đầu. Nhờ hồ nước này, hơn 200ha đất ruộng trên phía sau hồ của đồng bào DTTS Khmer có thể canh tác liên vụ thay vì chỉ 1 vụ, phụ thuộc vào nước mưa như trước đây. Nhờ có hồ nước lớn, đời sống người dân Khmer nơi đây thay đổi hẳn, nhiều hộ đã thoát nghèo…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang cho biết, sau khi được Trung ương hỗ trợ xây dựng, đưa vào vận hành, tỉnh đã tiến hành cải tạo, nâng dung tích hiệu dụng của 3 hồ: Ô Thum, Soài Chek (Tri Tôn) và Ô Tứk Sa (Tịnh Biên). Qua đó, góp phần phục vụ sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với diện tích phục vụ sau hồ trên 500ha (Tri Tôn 200ha, Tịnh Biên 300ha).

Thấy được hiệu quả của các hồ chứa nước vùng cao, Sở NN&PTNT đang hoàn tất các thủ tục để triển khai thực hiện dự án thủy lợi vùng cao phục vụ tích trữ nước (được UBND tỉnh phê duyệt). Theo đó, từ nguồn Trung ương hỗ trợ, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới thêm 3 hồ chứa nước, gồm 2 hồ chứa ở Tri Tôn (hồ Núi Dài 2 và hồ Cô Tô) và 1 hồ chưa ở Tịnh Biên (hồ Tà Lọt), với dung tích 1,07 triệu m3, đồng thời đầu tư xây dựng trạm bơm Văn Giáo ở vùng cao huyện Tịnh Biên. Những công trình thủy lợi này sẽ giúp cả ngàn ha đất ruộng trên của đồng bào DTTS Khmer có nguồn nước tưới, phát triển sinh kế người dân. Cùng với đó là cung cấp nước sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy rừng Bảy Núi.

Nguồn: baoangiang.com.vn