An Giang triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

12/12/2023 17:12

Các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 đang được các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc nhằm đảm bảo các chương trình được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Chính quyền và người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới

 

Theo UBND tỉnh An Giang, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền, đồng thời xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn để làm cơ sở cho các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, gồm: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025.

Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở được thành lập, kiện toàn với quy chế hoạt động rõ ràng, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Cùng với đó, công tác tuyên truyền gắn với giám sát, đôn đốc và biểu dương, ghi nhận, động viên, kịp thời khích lệ những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo tại mỗi đơn vị, địa phương, cộng đồng dân cư...

Toàn tỉnh thúc đẩy phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng, góp phần cùng cả nước phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”... Qua đó, tạo chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững; chăm lo, phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS.

Giai đoạn 2021 - 2025, An Giang được Trung ương phân bổ tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển trong thực hiện 3 chương trình MTQG hơn 3.643 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng NTM hơn 3.081 tỷ đồng, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gần 373,22 tỷ đồng, Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi hơn 188,75 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách địa phương là hơn 2.314 tỷ đồng.

Riêng năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh là gần 1.118 tỷ đồng (kế hoạch vốn năm 2023 hơn 870,25 tỷ đồng; vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 hơn 248,18 tỷ đồng). Lũy kế giải ngân vốn năm 2023 đến ngày 15/11/2023 gần 557,66 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 49,9% (giải ngân vốn năm 2023 hơn 392,26 tỷ đồng, đạt 45,1%; giải ngân vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 gần 165,4 tỷ đồng, đạt 66,6%).

Kết quả triển khai các chương trình MTQG đã có tác động tích cực đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển KTXH của tỉnh. Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM (huyệnThoại Sơn) và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên); có 71/110 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM (đạt 64,54%), có 29 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; có 8 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn ấp NTM.

Số hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2022 giảm bình quân 1,02%/năm; hộ nghèo là người DTTS giảm bình quân 3,08%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2,2% và hộ cận nghèo giảm bình quân 1,09%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2022 - 2025 vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 3,5%; đồng thời có 3/7 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, đạt 42,9%.

Theo UBND tỉnh An Giang, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình MTQG, cần phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát của ban chỉ đạo các cấp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như nhân rộng những mô hình, sáng kiến, cơ chế, chính sách hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan về các chương trình MTQG nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện.

Tỉnh duy trì, nâng chất bộ tiêu chí NTM, phấn đấu thực hiện hoàn thiện theo bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, định hướng NTM thông minh. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi và các chương trình, kế hoạch phát triển KTXH ở địa phương; hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định cuộc sống, hạn chế tái nghèo…

Dẫu còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng với quyết tâm chính trị cao, cùng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành và các địa phương, việc thực hiện các chương trình MTQG phấn đấu đảm bảo tiến độ, kế hoạch và hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới