An Giang: “Tiếp sức” để các sản phẩm OCOP phát triển

14/04/2021 16:04

Với sự quan tâm của các cấp, ngành trong thời gian qua đã giúp sản phẩm OCOP của An Giang tiếp cận với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để các sản phẩm OCOP phát huy hết giá trị vốn có, cần có sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ ngành chuyên môn và các địa phương, nhất là trong công tác quảng bá, cải thiện hình thức để chinh phục những thị trường tiềm năng.

Năm 2020, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh và bước đầu tạo được hiệu quả tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với các thị trường trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng vì nhiều nguyên nhân.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu phân tích: “Sản phẩm OCOP chính là những sản phẩm được “sinh ra từ làng” mà chủ thể của nó là những nông dân đã dựa vào tính đặc thù, đặc trưng vùng, miền, thế mạnh nguyên, vật liệu, tay nghề cộng với văn hóa, thị hiếu tiêu dùng để sản xuất ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Do đó, phạm vi phổ biến của sản phẩm chỉ mang tính cục bộ ở một địa phương nào đó. chúng tôi cho rằng, cần có biện pháp để đưa sản phẩm OCOP đến với đông đảo người tiêu dùng ở những thị trường xa hơn”.

 

 

Cần hỗ trợ để sản phẩm OCOP của An Giang vươn đến các thị trường tiềm năng

Ông Lê Trung Hiếu nhận định, do sản phẩm OCOP được “sinh ra từ làng” nên mẫu mã, bao bì, đóng gói, thiết kế còn đơn điệu, chưa đạt chuẩn, đôi khi chưa phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của đơn vị chuyên môn giúp thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm đạt chuẩn nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Thứ hai, do hạn chế về mặt địa lý nên sản phẩm cần được hỗ trợ truyền thông rộng rãi, đồng thời cần tìm hiểu những đặc điểm của sản phẩm OCOP để viết nên “câu chuyện” về xuất xứ và hoàn cảnh ra đời của nó. Từ đó, tạo nên chiều sâu văn hóa của sản phẩm nhằm chuyển tải đến khách hàng một cách thú vị và khoa học, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Đồng quan điểm trên, bà Quách Yến Phượng (Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang - TP. Long Xuyên) ủng hộ việc phải tạo được “câu chuyện lan tỏa” cho từng sản phẩm. Đặc biệt, để sản phẩm OCOP lan tỏa đi xa cần có sự kết nối chặt chẽ với hoạt động du lịch. “Nếu chủ thể của sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ trưng bày, quảng bá theo các gian hàng thì tính lan tỏa sẽ bị hạn chế. Khi các sản phẩm OCOP được đưa vào các khu, điểm du lịch sẽ tiếp cận du khách tốt hơn. Ví dụ, trên bàn ăn của du khách có rượu thốt nốt, rượu cà na, trà xạ đen hay các sản phẩm OCOP khác của An Giang sẽ giúp họ tiếp nhận một cách đầy đủ và dễ dàng hơn. Lúc ấy, tính lan tỏa của sản phẩm sẽ tốt hơn!” - bà Phượng nhận định.

Bà Phượng cho rằng, cần có một “câu chuyện” liên quan đến sản phẩm, giúp khách hàng cảm thấy thú vị hơn. Bởi, mỗi sản phẩm OCOP hiện nay không chỉ đại diện cho một cá nhân mà đã trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nên cần có sự hỗ trợ của ngành chuyên môn để có những “câu chuyện” đầy đủ hơn, thú vị hơn.

Một yếu tố quan trọng để sản phẩm OCOP vươn ra thị trường là xây dựng được chuỗi cung ứng và tiêu thụ. “Hiện nay, cần có hệ thống phân phối đủ mạnh đứng ra tổ chức tiếp nhận và luân chuyển sản phẩm của các địa phương, nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh về những sản phẩm đặc trưng mang đậm nét văn hóa, truyền thống và độc đáo của từng địa phương. Hiện nay, chúng tôi đã kết nối với siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) và siêu thị Co.opmart Long Xuyên tham gia vào chuỗi cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đây là tín hiệu tích cực, mở ra hướng phát triển mới cho các sản phẩm OCOP của An Giang” - ông Lê Trung Hiếu cho hay.

Để sản phẩm OCOP đủ mạnh và vươn đến những thị trường tiềm năng, cần giải quyết được vấn đề vốn. Do quy mô nhỏ lẻ nên các hộ sản xuất và hợp tác xã không đủ vốn để tổ chức sản xuất lớn, cũng như không đủ kinh phí cho công tác truyền thông, quảng bá. Vì vậy, rất cần sự chung tay của các tổ chức tín dụng, các sở, ngành liên quan cũng như có những doanh nghiệp đủ tâm huyết để hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Từ đó, giúp sản phẩm OCOP nói riêng và sản phẩm đặc trưng vùng, miền nói chung có cơ hội tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng, giúp cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào thực chất.

“Năm 2021, chúng tôi có những sự kiện nhằm nâng tầm, tạo đà để sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa. Có thể kể đến hoạt động “Ngày An Giang tại Hà Nội” nhằm kết nối giao thương, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng thế mạnh của tỉnh đến với người tiêu dùng thủ đô; phối hợp các tỉnh ABCD Mekong xây dựng và tham gia hệ thống trưng bày các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông thôn tiêu biểu tại An Giang, gồm: An Giang, Bến Tre, TP. Cần Thơ, Đồng Tháp (ABCD Mekong), TP. Phú Quốc (Kiên Giang), TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội; tổ chức “Phiên chợ Sáng - sản phẩm OCOP; sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” tại các điểm chợ trên địa bàn tỉnh… nhằm từng bước đưa sản phẩm OCOP của An Giang đến với đông đảo người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu xác định.

Nguồn: baoangiang.com.vn