An Giang đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

11/12/2023 13:47

Việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp được ngành nông nghiệp cùng nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) trong tỉnh chú trọng đầu tư, từng bước hình thành các vùng chuyên canh theo hướng hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao.

Giai đoạn 2022 - 2024, Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL”. Dự án thực hiện trên địa bàn 4 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Long An, với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng dụng gói kỹ thuật đồng bộ từ gieo cấy đến thu hoạch, tạo sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo đó, từ năm 2022 - 2023, đã xây dựng 8 mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu với quy mô 400ha (mỗi mô hình 50ha, mỗi tỉnh 1 mô hình/năm) tại 4 tỉnh tham gia dự án. Mô hình sử dụng các giống lúa chất lượng cao, như: OM18, DSI, ST25, IR4625...

Ông Phan Thành Tâm (Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ - Trung tâm Khuyến nông An Giang) thông tin: “So với ruộng đối chứng ngoài mô hình thì ruộng trong mô hình hạn chế tác động đến môi trường, do bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng thiết bị bay không người lái; lúa cứng cây, ít bị đổ ngã, năng suất cao hơn ruộng ngoài mô hình. Cụ thể, năng suất lúa bình quân đạt 6,38 tấn/ha, lợi nhuận hơn 23,8 triệu đồng/ha. Mô hình giúp giảm chi phí sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn của DN liên kết tiêu thụ”.

 

Tham quan mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại xã Vọng Đông

 

Ở An Giang, mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL năm 2023 được triển khai với quy mô 50ha tại xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn), do 30 hộ thành viên HTX Nông nghiệp Vọng Đông thực hiện. “Mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, từ khâu làm đất, bón phân, phun thuốc BVTV, thu hoạch.

Việc ứng dụng cơ giới hóa giúp tiết kiệm 80% công lao động, hạn chế tác động đến môi trường. Việc xây dựng mô hình giúp cải thiện khả năng quản lý của HTX thông qua tự giám sát các thành viên tham gia dự án về quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thương thảo hợp đồng liên kết… từng bước hình thành vùng liên kết tiêu thụ bền vững” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Vọng Đông Phan Thành Bắc chia sẻ.

Ông Phan Thành Tâm cho biết, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL” đang cho thấy hiệu quả từ việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hiệu quả kinh tế cao hơn 20,39%. “Qua đó, góp phần giải quyết vấn đề thiếu lao động trong sản xuất, tăng cường mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân - HTX - DN. Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Dự án góp phần cho mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển dần từ canh tác nhỏ lẻ sang canh tác theo hướng hàng hóa tập trung, có sự liên kết giữa các thành phần kinh tế” - ông Tâm nhấn mạnh.

Tại xã Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn), Trung tâm Khuyến nông An Giang vừa tổng kết mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, ứng dụng cơ giới hóa, gắn liên kết DN tiêu thụ”. Theo đó, vụ thu đông năm 2023, Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện mô hình này tại HTX Nông nghiệp Tân Đông (xã Mỹ Phú Đông), với diện tích 50ha, có 12 hộ tham gia.

Kết quả, chi phí sản xuất của các ruộng mô hình thấp hơn ruộng đối chứng 3 triệu đồng/ha, năng suất cao hơn từ 0,3 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn khoảng 5 triệu đồng/ha. Quá trình sản xuất đã áp dụng máy bay không người lái (drone “3 trong 1”) thực hiện gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV. Các hộ nông dân thực hiện mô hình áp dụng triệt để kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến (1 phải, 5 giảm), nên giảm đáng kể lượng giống gieo sạ, giảm chi phí sản xuất.

Là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, huyện Thoại Sơn đã tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, trong đó triển khai cơ chế hỗ trợ của tỉnh, của huyện để hộ nông dân đầu tư mua các loại máy móc phù hợp với điều kiện sản nông nghiệp.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Lê Văn Đà, tính đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã đầu tư mua được 470 máy gặt đập liên hợp, nâng tỷ lệ thu hoạch lúa bằng máy trên 99% diện tích sản xuất, góp phần hạ giá thành canh tác và nâng cao chất lượng lúa.

Khâu phun thuốc BVTV và bón phân đã từng bước được nông dân ứng dụng các thiết bị bay nên giảm được công lao động cũng như mức độ độc hại khi tiếp xúc hóa chất cho người lao động. Đây là tiền đề để nhân rộng các thiết bị công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giúp nông dân chủ động trong các khâu sản xuất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu các tác hại đến môi trường. Mối quan hệ giữa DN với HTX dần được thiết lập theo chuỗi giá trị phù hợp với xu thế phát triển.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới