Trung Quốc bác bỏ ‘cạnh tranh chiến lược’, kêu gọi Mỹ hợp tác

28/01/2021 07:21

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/1 đã phản hồi về tuyên bố của Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách tiếp cận mới với quốc gia châu Á này.

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: Reuters

Báo Nikkei dẫn lời ông Triệu Lập Kiên – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – tại cuộc họp báo cho biết trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc muốn hợp tác chứ không phải cạnh tranh chiến lược. 

“Vài năm qua, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đi sai hướng. Họ coi Trung Quốc là ‘đối thủ cạnh tranh chiến lược’, thậm chí là ‘mối đe dọa’. Là hai nước lớn, Trung Quốc và Mỹ có những lợi ích chung rộng lớn cũng như gánh vác những trách nhiệm đặc biệt, lớn lao trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới, cũng như thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng toàn cầu. Cả hai quốc gia đều có lợi khi hợp tác và thiệt hại khi đối đầu. Hợp tác chính là lựa chọn đúng đắn duy nhất đối với cả hai bên”, ông Triệu phát biểu. 

Bình luận trên của phía Bắc Kinh trái ngược với tình hình quan hệ Mỹ - Trung do Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki mô tả trong cuộc họp báo hôm 25/1. Bà nói: "Chúng ta đang trong cuộc cạnh tranh nghiêm trọng với Trung Quốc. Cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc là đặc điểm nổi bật của thế kỷ 21".

Bà Psaki đã kêu gọi một cách tiếp cận mới với Trung Quốc, trong khi chính quyền của ông Biden sẽ chọn hướng đi “kiên nhẫn chiến lược” trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Đường hướng này cần phải được tham vấn bởi thành viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ. 

Lập trường của người phát ngôn Triệu Lập Kiên đã tái khẳng định "quan hệ cường quốc kiểu mới" mà Bắc Kinh từng cố gắng thúc đẩy dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Trong cuộc gặp với ông Obama ở California năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mô tả ba khái niệm chính của "dạng quan hệ cường quốc kiểu mới" là: không có xung đột hay đối đầu và đối xử khách quan với các ý định chiến lược của nhau; tôn trọng lẫn nhau, bao gồm cả lợi ích cốt lõi và mối quan tâm chính của nhau; và hợp tác cùng có lợi, bằng cách từ bỏ tâm lý trò chơi có tổng bằng 0 (người thắng được thu về phần bằng đúng tổng thua lỗ của những người chơi khác) và thúc đẩy các lĩnh vực cùng quan tâm.

Ông Triệu Lập Kiên nói: "Chúng tôi hy vọng chính quyền Mỹ mới sẽ nhìn nhận mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ một cách khách quan và hợp lý, cũng như thực hiện các chính sách về Trung Quốc tích cực và mang tính xây dựng”. 

Ông Joe Biden đang cân nhắc về các biện pháp thuế quan áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc do người tiền nhiệm Donald Trump thúc đẩy. Tân Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ duy trì lập trường cứng rắn trong lĩnh vực thương mại với Trung Quốc, thông qua việc ký đạo luật “Buy American”, đồng thời đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ chiến lược để đối phó với chiến dịch “Made in China 2025” của ông Tập Cận Bình. 

Thuật ngữ “kiên nhẫn chiến lược” mà bà Jen Psaki nhắc đến tại cuộc họp báo hôm 25/1, từng được sử dụng bởi Chính quyền Tổng thống Barack Obama trong chính sách ngoại giao với CHDCND Triều Tiên. Chính sách này đề cập đến việc không đàm phán với Bình Nhưỡng trừ khi họ thực hiện các bước cụ thể để dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá chiến lược này cuối cùng lại cho Triều Tiên thêm thời gian để phát triển vũ khí hạt nhân. Dưới thời Tổng thống Obama, ông Biden giữa chức vụ Phó Tổng thống và bà Psaki là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao.

Nguồn: baotintuc.vn