LHQ kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp để giải quyết tình hình an ninh lương thực

19/09/2020 17:01

Nạn đói trầm trọng, kế sinh nhai bị hủy hoại, giáo dục suy yếu, hoạt động chủng ngừa bị gián đoạn, tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng là những tác động gián tiếp mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với nhiều nước.

 

Chú thích ảnh
Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Mt. Darwin, Zimbabwe. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Đây là cảnh báo do Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo Mark Lowcock đưa ra tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong phiên họp ngày 17/9.

Ông Mark Lowcock hối thúc HĐBA LHQ và các nước thành viên LHQ hành động ngay lập tức nhằm giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và thúc đẩy hoạt động viện trợ nhân đạo. Ông nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đang làm gia tăng nhu cầu nhân đạo. Theo Phó TTK LHQ, tình hình diễn biến xấu hơn, đỉnh dịch COVID-19 chưa tới song đã gây ra nhiều tác động gián tiếp.  

Ông Lowcock chỉ rõ các cơ quan viện trợ nhân đạo đang hoạt động quá sức bởi các nhu cầu viện trợ khác nhau và việc thiếu hỗ trợ tài chính sẽ khiến tình trạng này tồi tệ hơn. Trước tình hình này, Phó TTK LHQ đề xuất một số biện pháp, theo đó, trước hết thúc đẩy các giải pháp chính trị thông qua đối thoại và hòa bình nhằm chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang; thứ hai, đảm bảo các bên liên quan tôn trọng luật nhân đạo quốc tế; và cuối cùng là giảm thiểu tác động của các cuộc xung đột vũ trang và liên quan đến bạo lực đối với hoạt động kinh tế, trong đó có huy động sự hỗ trợ của các thể chế tài chính quốc tế. 

Điều quan trọng hơn cả, theo ông Lowcook, là tăng cường các hoạt động nhân đạo, có bước đi lớn hơn để hỗ trợ các nền kinh tế đang đối mặt với nạn đói diện rộng và nghiêm trọng. Ông Lowcook dẫn chứng tình hình tại CHDC Congo với gần 22 triệu người đang trong tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng do dịch COVID-19 khiến những tác động của cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua thêm tồi tệ. Tại Đông Bắc Nigeria, bạo lực do các nhóm vũ trang cực đoan gây ra khiến nhu cầu viện trợ nhân đạo cho người dân tăng cao. Trong khi đó, hơn 1 triệu người tại các nước trong khu vực Sahel, phần lớn trong số này sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, phải rời bỏ nhà cửa do các vụ tấn công bạo lực. Phó TTK LHQ nhấn mạnh tổng cộng 14 triệu người đang hứng chịu khủng hoảng hoặc mức độ khẩn cấp về mất an ninh lương thực và đây con số cao nhất trong 10 năm qua. 

Cùng ngày, Viện thống kê và địa lý Brazil (IBGE) cho hay ít nhất 10,3 triệu người dân nước này đã bị thiếu đói trong thời gian từ năm 2017-2018. Điều này đồng nghĩa chỉ có 63,3% số hộ dân Brazil được đảm an ninh lương thực. Theo IBGE, trong số này, 7,7 triệu người sinh sống tại khu vực đô thị, số còn lại sống tại khu vực xa xôi hẻo lánh. Số thống kê không bao gồm người vô gia cư, do vậy con số thực tế sẽ cao hơn.

Nguồn: baotintuc.vn