Kinh tế Ukraine khó trụ vững nếu chiến sự kéo dài

17/05/2022 16:02

Việc đóng băng mọi hoạt động xuất khẩu bằng đường biển sẽ là cú đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Ukraine.

 

Chú thích ảnh
Lượng xe tải chở hàng từ Ukraine vào EU bị hạn chế do nước này chưa là thành viên của khối. Ảnh: Getty Images

Là người chèo lái nền kinh tế giữa thời điểm chiến tranh, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko thể hiện sự lạc quan đáng ngạc nhiên. Phía Nga hiện chiếm giữ hoặc phong tỏa mọi cảng biến lớn của Ukriane, khiến phần lớn các doanh nghiệp của Ukriane phải đóng cửa sản xuất, nhưng điều này không làm ông Marchenko hốt hoảng. “Tình hình hiện rất khó khăn, tôi sẽ không giấu giếm điều đó. Nhưng chúng tôi vẫn có thể xoay sở được”, Bộ trưởng Marchenko chia sẻ.

Có nhiều lý do giúp Ukraine không hoảng loạn. Nước này bước vào cuộc chiến với nền tảng kinh tế vững, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7%/năm. Ukraine được hưởng lợi khi giá các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt như ngũ cốc, quặng sắt, thép tăng cao. Ngành tài chính-ngân hàng được quản trị tốt, thâm hụt ngân sách trong năm 2021 dưới 3% GDP. Nợ của Ukraine dưới mức 50% GDP, một con số mà Bộ trưởng Tài chính nhiều nước phải mơ ước.

Hệ thống thu thuế điện tử giúp nhà nước vẫn có được nguồn thu đều đặn từ các hoạt động kinh tế tại những khu vực không bị ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh. Người già và nhân viên hoạt động trong bộ máy công quyền vẫn nhận được lương hưu và lương nhờ hệ thống điện tử vận hành tốt, mạng lưới internet không bị gián đoạn. Đa phần các công ty, doanh nghiệp vẫn trả thu nhập cho nhân viên, dù hoạt động không được như trong điều kiện bình thường.

Nhưng mọi chuyện không phải dễ dàng. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Ukraine có thể sẽ suy giảm tới 45% trong năm 2022 (sát với mức 44% như thừa nhận của Bộ trưởng Marchenko). Phía trước là những bất chắc lớn. Thuế hải quan, nguồn thu quan trọng của chính phủ, đã suy giảm, chỉ bằng ¼ so với thời điểm trước xung đột, do nhập khẩu thấp, nhiều sắc thuế được tạm ngưng. Chi lương cho lực lượng vũ trang cũng là một gánh nặng lớn. Thực tế này khiến ngân sách Ukraine bị thâm hụt 5 tỷ USD/tháng, tương đương 5% GDP của kinh tế Ukraine ở giữa thời chiến.

Làm sao để lấp đầy khoảng trống này? Một phần là dựa vào việc in tiền của ngân hàng trung ương, ông Marchenko nói. Một giải pháp khác là phát hành trái phiếu thời chiến, với mức lãi suất được chính phủ đề ra là 11%, thấp hơn tỉ lệ lạm phát hiện hành. Nhưng nguồn lực chủ yếu là hỗ trợ bên ngoài và đây cũng chính là lĩnh vực chi phối phần lớn tâm trí của Bộ trưởng Marchenko. Ông dành phần lớn lịch làm việc trong ngày để vận động hành lang đối với chính phủ nước ngoài.

Mỹ là niềm hy vọng lớn nhất. Hôm 28/4, Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã yêu cầu Quốc hội thông qua khoản kinh phí bổ sung trị giá 33 tỉ USD để hỗ trợ cho Ukraine. Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua khoản ngân sách vượt đề xuất này, lên 40 tỷ USD. Phần lớn khoản chi này là cho quân sự, nhưng cũng có ít nhất 8,5 tỷ USD là để hỗ trợ kinh tế Ukraine. “Đó là thông tin tốt lành. Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết cơ cấu gói tài chính này ra sao và khi nào thì đến tay Ukraine”, ông Marchenko bày tỏ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng tham gia trợ giúp. IMF khuyến khích Mỹ và các nước phân bổ khoản vay cho Ukraine từ quyền rút vốn đặc biệt của những quốc gia này tại IMF, giúp chính phủ Kyiv tiếp cận nguồn tiền mặt trực tiếp. Nhưng tính đến quý 2 năm nay, Ukraine mới chỉ nhận được tổng số 4,5 tỷ USD từ nguồn này, trong khi mức thâm hụt tài khóa là hơn 15 tỷ USD.

Nguồn hỗ trợ này không bền vững – Bộ trưởng Marchenko thừa nhận. Ông lo sợ rằng nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài thêm “ba đến bốn tháng nữa”, rất có thể Ukraine sẽ phải thực thi các biện pháp “đau đớn”, như tăng thuế, giảm chi tiêu. Nguy cơ lớn nhất sẽ là việc nền kinh tế tương đối thị trường được thiết lập trong vài năm trở lại đây sẽ đổ bể, khi Ukraine có thể buộc phải bắt tay triển khai làn sóng quốc hữu hóa.

 
Chú thích ảnh
Một nông dân Ukraine đứng bên núi hạt hướng dương chưa xuất được trong một nhà kho ở Zaporizhzhia. Ảnh: NBC News

Thách thức trực tiếp hiển hiện chính là mùa vụ. Mùa gieo hạt lúa mỳ, lúa mạch, hướng dương (lấy dầu) cùng với nhiều loại ngũ cốc khác đã hoàn tất. Giữa chiến sự, diện tích gieo hạt vẫn đạt 80% so với mọi năm. Nhưng làm gì với sản phẩm đầu ra là câu hỏi khó. Thu hoạch không phải là vấn đề lớn. Điểm nghẽn nằm ở xuất khẩu nông sản.

Hiện diện hải quân của Nga ở Biển Đen cũng như việc Ukraine triển khai thủy lôi phòng thủ ở khu vực này đồng nghĩa với việc cảng Odessa, cảng chính ở Ukraine, bị tê liệt hoàn toàn. Tình trạng này cũng lặp lại ở cảng lớn thứ hai và thứ ba nằm gần Odessa. Cảng Berdyansk và Mariupol – lớn thứ tư và thứ năm, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Năng lực kho chứa cũng hạn chế, khi phần lớn các silo chứa ngũ cốc đã đầy ắp, do sản lượng mùa vụ trước chưa thể xuất khẩu được.

Không xuất khẩu bằng đường biển, Ukraine sẽ phải tính đến giải pháp thay thế bằng đường bộ, đường sắt qua ngả Ba Lan, Romania và Hungary. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Hạ tầng Ukraine – người được giao trọng trách giải quyết ách tắc xuất khẩu, các cung đường này không thể xử lý lượng xe tăng đột biến, trong khi các cảng thay thế có năng lực xếp dỡ hạn chế.

Điều tồi tệ chính là việc vận chuyển xuyên biên giới từ Ukraine sang Liên minh châu Âu (EU) rất khó khăn. Các chốt kiểm soát về hải quan, kiểm dịch đang gây ra tình cảnh ách tắc xe tải kéo dài 10 km tại các cửa khẩu vào EU. Quy định của liên minh này nêu rõ do Ukraine không phải là thành viên của khối, lên sẽ bị giới hạn lượng xe tải nhập cảnh vào EU.

Nguồn:baotintuc.vn