Giảm căng thẳng biên giới, Ấn Độ thông qua 45 dự án đầu tư của Trung Quốc

24/02/2021 15:03

Ấn Độ sắp sửa phê duyệt 45 đề xuất đầu tư trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc, sau khi hai nước láng giềng này hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực biên giới tranh chấp.

Chú thích ảnh
Nhà máy lắp ráp ô tô SAIC Motor tại Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin từ chính phủ và nội bộ ngành công nghiệp tiết lộ 45 lời đề nghị đầu tư - nhiều khả năng có các dự án từ hai tập đoàn sản xuất ô tô​ của Trung Quốc là Great Wall Motor (Ô tô Trường Thành) và SAIC Motor Corp - đã bị tạm dừng phê duyệt từ năm ngoái. Tại thời điểm đó, Ấn Độ thắt chặt kiểm soát đối với đầu tư của Trung Quốc để trả đũa các cuộc tấn công của binh sĩ nước này ở khu vực phía Tây Himalaya. Trong khi đó, Bắc Kinh đổ lỗi cho quân đội Ấn Độ gây ra sự cố ở biên giới.

Khoảng 150 đề xuất đầu tư từ Trung Quốc trị giá hơn 2 tỷ USD đã bị mắc kẹt thời gian qua. Các công ty từ Nhật Bản và Mỹ đầu tư vào Ấn Độ qua thị trường Hong Kong cũng bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Tình trạng bế tắc trên diễn ra sau khi một ban chỉ đạo liên bộ dưới sự chủ trì của Bộ Nội vụ Ấn Độ tăng cường giám sát các đề xuất đầu tư từ Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Ấn Độ đã không trả lời câu hỏi về đề xuất nào sẽ được phê duyệt. Trong khi đó, hai nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết danh sách 45 đề xuất đầu tư chuẩn bị được phê duyệt đều thuộc lĩnh vực sản xuất, không chứa đựng yếu tố liên quan đến an ninh quốc gia.

Các nguồn tin không nêu chi tiết nhưng hai quan chức chính phủ khác và hai nguồn tin từ ngành công nghiệp cho biết danh sách phê duyệt có thể bao gồm đề xuất đầu tư từ hai tập đoàn Trường Thành Motor và SAIC Motor Corp.

Năm ngoái, hai tập đoàn Trường Thành Motors và General Motors (của Mỹ) đã thiết lập một thỏa thuận chung nhằm tìm kiếm sự đồng thuận để nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể mua lại nhà máy sản xuất ô tô của Mỹ tại Ấn Độ với mức giá khoảng 250 triệu đến 300 triệu USD.

Tập đoàn Trường Thành có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Ấn Độ trong vài năm tới, trước đó đã khẳng định việc triển khai hoạt động tại quốc gia này là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu. Tập đoàn này đã lên kế hoạch bắt đầu bán ô tô tại Ấn Độ từ năm nay và cũng đang cân nhắc việc sản xuất xe điện.

Chú thích ảnh
Một bãi xe tại xưởng lắp ráp của the Great Wall Motors tại Hà Bắc. Ảnh: AP

Great Wall cho biết họ tiếp tục làm việc với phía chính quyền Ấn Độ để được cấp phép đầu tư tại nước này. Một phát ngôn viên của công ty cho biết: “Nếu chúng tôi được phê duyệt tất cả các đề xuất, chúng tôi sẽ thúc đẩy hoạt động tại Ấn Độ và tuân thủ các quy định của chính phủ nước này”.

Trong khi đó, tập đoàn SAIC, bắt đầu bán ô tô ở Ấn Độ vào năm 2019 dưới thương hiệu MG Motor của Anh, đã đầu tư khoảng 400 triệu USD trong tổng số gần 650 triệu USD mà họ đã cam kết đầu tư vào Ấn Độ và cần được phê duyệt để đầu tư thêm. Đại diện của SAIC tại Ấn Độ đã không trả lời thư phỏng vấn để tìm hiểu thông tin.

Sự thay đổi trong lập trường của chính phủ Ấn Độ diễn ra sau khi tình hình biên giới được cải thiện. Ngày 21/2, đại diện Ấn Độ và Trung Quốc đều cho biết các binh sĩ của hai nước đối đầu trực tiếp tại khu vực biên giới đã rút lui.   

Các nguồn tin cho biết kế hoạch sắp tới của Ấn Độ là chia hơn 150 đề xuất đầu tư của Trung Quốc thành ba loại, tùy thuộc vào mức độ rủi ro của dự án đối với an ninh quốc gia. Các nhà tư vấn và luật sư cho biết các lĩnh vực như ô tô, điện tử, hóa chất và dệt may được coi là không nhạy cảm, trong khi những lĩnh vực liên quan đến dữ liệu và tài chính được đánh giá là nhạy cảm.

Một trong những nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết các đề xuất đầu tư từ ​​các lĩnh vực không nhạy cảm sẽ được phê duyệt nhanh hơn, trong khi những đề xuất bị coi là “nhạy cảm” sẽ được xem xét sau.

Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang trở lại hồi đầu tháng 5 năm ngoái trong bối cảnh hai bên tăng cường thêm hàng nghìn binh sĩ và nhiều vũ khí hạng nặng tại biên giới. Suốt hơn 80 năm qua, hai nước vẫn luôn mâu thuẫn về tuyến biên giới dài gần 3.500 km dọc dãy Himalaya và đụng độ vẫn thường xảy ra do các tuyên bố chồng lấn. Hơn 20 vòng đàm phán vẫn chưa thể đưa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này đi đến đồng thuận về vấn đề biên giới.

Nguồn: baotintuc.vn