Diễn biến COVID-19 trên thế giới tới 6h sáng 4/4: Gần 6.000 người tử vong/ngày, Mỹ thêm 30.000 ca nhiễm mới

04/04/2020 07:07

Chỉ trong vòng 24h tính tới 6h sáng 4/4 (theo giờ Việt Nam), virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã cướp đi thêm gần 6.000 sinh mạng và lây nhiễm cho thêm 86.000 người trên khắp thế giới.

 

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 1/4/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang thống kê dữ liệu trực tuyến worldometers.info, tính đến 6h00 ngày 4/4 (giờ Việt Nam), dịch COVID-19 đã lây lan tới 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 1.095.134 ca nhiễm, 58.791 ca tử vong và 228.109 người đã được điều trị khỏi bệnh. Pháp là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong vòng 1 ngày, với 1.120 ca, tiếp đến là Mỹ với thêm gần 1.000 ca tử vong.

Mỹ: Trên 30.000 ca nhiễm và gần 1.000 ca tử vong trong 24h

Theo số liệu từ trường Đại học John Hopkins, trong 24 giờ qua, nước Mỹ ghi nhận có thêm 30.110 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 1.094 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân lên 274.987 ca, trong đó 7.077 trường hợp tử vong. Thống kê này cho thấy số ca tử vong cao kỷ lục tại Mỹ trong vòng một ngày. Riêng tại "điểm nóng" New York, Thống đốc bang Andrew Cuomo ngày 3/4 xác nhận tiểu bang này đã có 2.935 ca tử vong vì SARS-CoV-2, 102.863 ca nhiễm và nhấn mạnh số người tử vong tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 ngày.

Nhằm ngăn ngừa dịch lây lan, cùng ngày Tổng thống Donald Trump đã đưa ra hướng dẫn mới, kêu gọi người dân tự giác sử dụng khẩu trang khi ra khỏi nhà, nhưng chỉ dùng khẩu trang vải thay vì khẩu trang y tế. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết việc ký hướng dẫn Đạo luật Sản xuất quốc phòng sẽ dừng hoạt động xuất khẩu khẩu trang cũng như các thiết bị y tế khác. Tuy nhiên ông chưa ban bố lệnh "trú ẩn tại chỗ" trên toàn quốc và để quyết định này cho các tiểu bang.

Trong khi đó, ngày 3/4, tỷ phú phần mềm - nhà từ thiện Bill Gates cho biết sẽ chi hàng tỷ USD nhằm nỗ lực đẩy nhanh việc phát triển vắc-xin chống lại virus SARS-CoV-2. Hôm 2/4, các chuyên gia y tế tại Đại học Y tế Pittsburgh đã công bố rằng họ đã điều chế một loại vắc-xin đã được thẩm định ở chuột thí nghiệm và cho thấy triển vọng.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế di chuyển một thi thể tới container lạnh bên ngoài Trung tâm y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn, New York, hôm 2/4. Ảnh: AP

Tình hình dịch bệnh tại Mỹ đã khiến nền kinh tế số một thế giới mất 701.000 việc làm trong tháng 3 vừa qua sau khi nhiều nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ....phải đóng cửa. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện tăng lên mức 4,4%.

Anh dự đoán đỉnh dịch vào lễ Phục sinh

Ngày 3/4, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo đỉnh dịch COVID-19 ở nước này có thể sẽ rơi vào ngày lễ Phục sinh 12/4 tới. Khi được các phóng viên hỏi về dự báo số ca tử vong do bệnh COVID-19 cao nhất vào ngày được dự báo là đỉnh điểm của dịch bệnh này, Bộ trưởng Hancock cho biết các nhà khoa học sẽ có những dự đoán chính xác. Trước đó, hãng Reuters đưa tin tình huống xấu nhất mà Chính phủ Anh đưa ra là số trường hợp tử vong do COVID-19 có thể lên tới 50.000 người nếu người dân không tuân thủ nghiêm túc các biện pháp tự cách ly. Và ngày tồi tệ có số người tử vong cao nhất sẽ là ngày 12/4 tới.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào bệnh viện St Thomas ở London, Anh ngày 31/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến 6h ngày 4/4 (giờ Việt Nam), Anh ghi nhận 38.168 ca mắc COVID-19 và 3.605 ca tử vong, tức là tăng thêm 684 ca trong vòng 24 giờ qua. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn đang thực hiện tự cách ly do có các triệu chứng nhẹ của bệnh COVID-19 và khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh.

Trong một phản ứng chính thức đầu tiên từ Hoàng gia Anh, Điện Buckingham thông báo bài phát biểu của Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị sẽ được phát sóng truyền hình trên cả nước vào lúc 19h ngày 5/4 (giờ GMT), tức 3h ngày 6/4 (giờ Việt Nam). Bài phát biểu của bà đã được ghi hình tại lâu đài Windsor.

Đức mạnh tay với đối tượng phớt lờ phòng dịch

Bắt đầu từ ngày 2/4, người dân Đức sẽ phải nộp phạt lên tới 500 euro (540 USD) nếu đứng quá gần nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu trong giao tiếp xã hội. Đây là một phần trong chủ trương của giới chức xử lý nghiêm những người cố tình phớt lờ những quy định nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã yêu cầu người dân ở trong nhà và chỉ ra ngoài nếu thật cần thiết như mua nhu yếu phẩm, tập thể dục hay khám bệnh. Việc tụ tập quá hai người trở lên đều bị cấm và mọi người phải luôn giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m. 

Chú thích ảnh

Nhà hàng tại Erfurt, Đức, đóng cửa ngày 1/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Cũng trong ngày 2/4, Thủ tướng Merkel đã rời khỏi nhà sau hai tuần tự cách ly do tiếp xúc với một bác sĩ mắc COVID-19. Người phát ngôn Thủ tướng Steffen Seibert cho biết nhà lãnh đạo Đức đã quay lại văn phòng làm việc và sẽ điều hành đất nước qua các cuộc họp trực tuyến. Bà Merkel đã được xét nghiệm một vài lần và tất cả đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Phát biểu vào tối 3/4, Thủ tướng Merkel nói rằng, đã có những dấu hiệu cho thấy hiệu quả từ các biện pháp hạn chế, sự lây lan virus SARS-CoV-2 đã chậm lại, nhưng bà chưa thể đưa ra thời hạn kết thúc đối với các hạn chế.

Ngày 3/4, Đức đã ghi nhận  thêm 6.365 ca nhiễm virus mới, nâng tổng số ca lên gần 91.159 trường hợp mắc COVID-19 và 1.275 ca tử vong.

Pháp: Số người tử vong kỷ lục trong ngày

Trong vòng 24h qua, nước Pháp báo cáo thêm 1.120 ca tử vong vì COVID-19, một con số kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Như vậy tổng số ca tử vong tại Pháp đã lên 6.507 trường hợp, gần gấp đôi so với Trung Quốc, trong tổng số 64.338 ca nhiễm virus. Giới chức y tế nhấn mạnh rằng Pháp chưa chạm đến đỉnh dịch, tình hình còn quá phức tạp nên chưa thể tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng ngày, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer thông báo sẽ thay đổi hình thức kỳ thi lấy bằng Baccalauréat (thường gọi tắt là BAC) của học sinh phổ thông trung học để được xét tuyển vào các trường đại học. Bộ trưởng Blanquer cho biết kỳ thi này sẽ được thay thế bằng các phương thức khác như các bài kiểm tra tiến độ học tập thường xuyên và Pháp sẽ tăng cường mở các lớp học để bù cho thời gian nghỉ do dịch. Các trường học và đại học Pháp đã đóng cửa từ đầu tháng Ba. Bộ trưởng Blanquer cho biết kế hoạch cho học sinh trở lại trường vào đầu tháng Năm này mới chỉ là "giả định".

Cùng ngày, Bộ Y tế Thụy Sĩ thông báo, ngày 3/4, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới 591 người, với tổng số ca nhiễm bệnh là 19.606 ca. Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định tăng gấp đôi gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp sau khi nhiều doanh nghiệp trong nước kiến nghị. Theo đó, gói cứu trợ hiện đã lên tới 40 tỷ franc Thụy Sĩ (40,94 tỷ USD).  

Chú thích ảnh

 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Brussels, Bỉ ngày 27/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung tâm Khủng hoảng COVID-19 của Bỉ công bố số liệu cập nhật về dịch bệnh, theo đó, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận tổng cộng 1.422 ca nhiễm mới và 132 bệnh nhân tử vong. Tổng cộng tại Bỉ có 16.770 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 1.205 người phải chăm sóc tích cực. Tính từ đầu mùa dịch tới nay, tại Bỉ ghi nhận 16.771 ca mắc bệnh và 2.872 người đã khỏi bệnh.

Nga cảnh báo kịch bản dịch bệnh diễn biến xấu

Trong tuyên bố ngày 3/4, Thủ tướng Mishustin khẳng định dịch COVID-19 tại Nga vẫn chưa qua giai đoạn đỉnh điểm. Vì thế, giới chức không thể loại trừ kịch bản dịch bệnh diễn biến tồi tệ nhất. 

Đến 6h ngày 4/4 (giờ Việt Nam), Nga đã ghi nhận tổng cộng 4.149 bệnh nhân COVID-19, tăng thêm 601 người, và 34 người tử vong. Đa số tất cả các trường hợp nhiễm mới đều ở Moskva (448 người), nâng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 ở thủ đô Nga lên 2.923 người. Cũng trong ngày 3/4, nước CH Chechnya trực thuộc đã trở thành vùng lãnh thổ đầu tiên của LB Nga ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm để ngăn dịch lây lan.

Chú thích ảnh

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 27/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 350 người, trong khi số ca nhiễm đã tăng lên 18.000 người. Chính quyền Ankara đã thông báo gói hỗ trợ trị giá 100 tỷ lira (15 tỷ USD) nhằm tiếp sức cho nền kinh tế cũng như triển khai chiến dịch quyên góp để huy động quỹ lên tới 847 triệu lira dành cho người nghèo và người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Chú thích ảnh

Cảnh vắng vẻ tại thành phố Jeddah, Saudi Arabia do dịch COVID-19 ngày 2/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Iran: Cần sẵn sàng thêm 1 năm nữa chống chọi với COVID-19

Ngày 3/4, người phát ngôn Bộ Y tế Kianoush Jahanpour cho biết nước này đã ghi nhận thêm 134 trường hợp tử vong và 2.715 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng số ca tử vong lên 3.294 và số ca nhiễm lên 53.183 ca. Theo ông Jahanpour, hiện 4.035 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Iran là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 và đang nỗ lực kiềm chế dịch. Chính phủ nước này đã cấm mọi hoạt động đi lại giữa các thành phố ít nhất đến ngày 8/4, và liên tục kêu gọi người dân hãy ở nhà. Hiện chưa có lệnh phong tỏa chính thức bên trong các thành phố. Tổng thống Hassan Rouhani cảnh báo dịch bệnh tại Iran có thể kéo dài và người dân phải sẵn sàng cho thêm một năm nữa chống chọi với COVID-19.

Trung Quốc cảnh báo dịch tái bùng phát 

Ngày 3/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đề nghị người dân cả nước tiếp tục các nỗ lực phòng bệnh trong các cộng đồng, nơi làm việc và hộ gia đình để đảm bảo dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không tái bùng phát khi nước này đang đối mặt với nguy cơ gia tăng mạnh số ca nhiễm từ nước ngoài vào. Tính đến ngày 3/4, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 870 ca nhiễm từ nước ngoài, trong đó 160 ca đã khỏi bệnh và được xuất viện, 710 ca đang được điều trị, trong đó 19 ca nguy kịch.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã quyết định "bơm" 400 tỷ nhân dân tệ (khoảng 56,38 tỷ USD) để ổn định thanh khoản tiền mặt. Đây là quyết định mới nhất được Trung Quốc đưa ra nhằm kích thích tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đối mặt với nguy cơ suy giảm lần đầu tiên trong 30 năm qua.

Chú thích ảnh

Một cửa hàng bán đồ trang sức ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 30/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Hàn Quốc chi hơn 7 tỷ USD hỗ trợ người dân

Ngày 3/4, Chính phủ Hàn Quốc công bố tiêu chí xác định hộ gia đình được hưởng hỗ trợ khẩn cấp nhằm giảm thiểu khó khăn sinh hoạt do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Dự kiến tổng ngân sách mà Hàn Quốc cần huy động để triển khai việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân đợt này là 9.100 tỷ won, trong đó chính phủ "gánh vác" 7.100 tỷ won bằng việc tái cơ cấu chi tiêu ngân sách hiện hành, chính quyền các tỉnh, thành phố đóng góp 2.000 tỷ won (1,64 tỷ USD).

Chú thích ảnh

Hành khách khai báo y tế tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, ngày 27/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong một nỗ lực lớn nhằm nhanh chóng xác định các ca nhiễm để xử lý kịp thời, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vừa khởi động một trung tâm xét nghiệm nhanh ngay trên đường phố ở thủ đô Abu Dhabi. Cơ sở này đón tiếp khoảng 600 người/ngày trong 12 giờ làm việc. Các xét nghiệm được miễn phí với người già, phụ nữ mang thai và những người có các triệu chứng bệnh COVID-19. Các đối tượng khác có thể xét nghiệm trả phí với 370 dirham (100 USD).

Trong khi đó, Saudi Arabia ngày 3/4 đã tăng thêm thời gian giới nghiêm tại 3 khu vực nhằm khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Quốc vương Saudi Arabia Salman cũng đã yêu cầu chi 9 tỷ riyal (tương đương 2,4 tỷ USD) để hỗ trợ chi trả một phần lương cho nhân công làm việc trong các lĩnh vực tư nhân. Động thái mới nhất này của Saudi Arabia nhằm hạn chế tác động của dịch COVID-19, sau khi chính phủ đã tung ra gói cứu trợ khẩn cấp nhằm vực dậy nền kinh tế.

Bất chấp các đền thờ tại nhiều nước ở Trung Đông và nhiều nơi trên thế giới đã đóng cửa do dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng, theo hãng tin AP, ngày 3/4, một số đền thờ tại Pakistan vẫn mở cửa. Thậm chí, một số lãnh đạo tôn giáo ở nước này còn kêu gọi người dân không tuân thủ các biện pháp của chính phủ, đến cầu nguyện tại các đền thờ. Tuy nhiên, một số tỉnh của Pakistan đã ban bố lệnh phong tỏa để hạn chế các tín đồ Hồi giáo đến cầu nguyện tại các đền thờ hay thánh đường. Hiện Pakistan đã ghi nhận 2.450 trường hợp mắc COVID và 35 ca tử vong.

Châu Phi: Đại dịch đe dọa nguồn lương thực

Dù dịch COVID-19 lan tới châu Phi muộn hơn so với các châu lục khác, nhưng Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo đại dịch này đe dọa đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh thiếu lương thực và bị đói, đặc biệt là tại châu Phi. WFP nêu rõ tại các nước nghèo, vốn dựa vào việc xuất khẩu để trang trải cho chi phí nhập khẩu, ngay cả giới trung lưu cũng có thể cần tới các khoản viện trợ lương thực để sống sót qua cuộc khủng hoảng COVID-19.

Chú thích ảnh

: Nhân viên phun thuốc khử trùng để ngăn chặn sự lay lan của COVID-19 tại Cairo, Ai Cập, ngày 25/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines đang trở thành một  "điểm nóng" mới. Ngày 3/4 là ngày Philippines ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới kỷ lục, với thêm 385 ca, nâng tổng số ca mắc virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại nước này vượt ngưỡng 3.000 trường hợp, lên 3.028 ca.

Con số ca nhiễm mới được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi Philippines mới chỉ bắt đầu tập trung vào nỗ lực xét nghiệm. Cùng ngày, nước này cũng ghi nhận 29 ca tử vong, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 136 ca. Các nhà khoa học tại Đại học Philippines dự đoán virus SARS-CoV-2 sẽ lây nhiễm từ 600.000-1,4 triệu người tại Philippines, trong đó 80% bệnh nhân sống tại vùng Thủ đô Manila.

Chú thích ảnh

Khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 28/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan, ngày 3/4, đã tạm ngừng vận hành 31 tuyến tàu đường dài và rút ngắn thời gian phục vụ của mọi chuyến tàu điện ở thủ đô Bangkok. Quyết định được đưa ra sau khi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ban hành sắc lệnh khẩn cấp và lệnh giới nghiêm toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Cùng ngày, tất cả các khách sạn ở Pattaya và nhiều nơi khác trong tỉnh miền Đông Chonburi đã được lệnh đóng cửa tạm thời nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trong khi đó, trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ Singapore đã quyết định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu từ 7/4 và đóng cửa trường học từ ngày 8/4, đồng thời triển khai thêm các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 tại Damansara, Malaysia ngày 30/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về chống dịch 

Ngày 3/4 (giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đây là văn bản đầu tiên của cơ quan quốc tế này về đại dịch kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát cuối năm 2019. Nghị quyết nhấn mạnh tới "sự cần thiết tôn trọng nhân quyền" và "không để xảy ra bất kỳ hình thức phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và bài ngoại trong các ứng phó với dịch bệnh". Nghị quyết đề cao vai trò trung tâm của LHQ trong chăm sóc sức khỏe và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 

Cùng ngày 3/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cho rằng khẩu trang y tế nên được ưu tiên cho nhân viên y tế, nhưng việc sử dụng khẩu trang tự chế hoặc các vật che miệng khác cũng có thể được xem như một cách để giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Trong một cuộc họp báo tại Geneva, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của WHO - ông Mike Ryan cho rằng virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền trong không khí, nhưng nguyên nhân lây nhiễm chính vẫn là do những người bị bệnh với các triệu chứng ho, hắt hơi và làm lây nhiễm qua bề mặt hoặc người khác. Ông Mike Ryan nhấn mạnh cần phải dành khẩu trang bảo hộ y tế cho các nhân viên tuyến đầu, nhưng ý tưởng sử dụng tấm che hô hấp hoặc che miệng để ngăn ngừa ho hoặc hắt hơi ra môi trường và người khác là một ý tưởng không tồi. Cũng tại cuộc họp báo, ông Ryan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện giãn cách xã hội, cụ thể là người dân cần tự giác ở nhà, hạn chế tối đa ra đường khi không có việc cần thiết.

Chú thích ảnh

Một cuộc họp của ĐHĐ LHQ tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

 Trong khi chờ đợi có một vaccine hiệu quả để phòng virus SARS-CoV-2, thế giới đang tích cực thực thi các biện pháp nhằm giảm sự lây lan của dịch. Theo thống kê của hãng thông tấn AFP (Pháp), hơn 3,9 tỷ người, tương đương 50% dân số toàn thế giới, đang thực hiện yêu cầu "ở nhà". Các biện pháp - trong đó có bắt buộc hoặc khuyến cáo ở nhà, lệnh giới nghiêm hoặc cách ly - đã được triển khai tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nguồn: baotintuc.vn