Armenia sẵn sàng ký văn kiện đàm phán hòa bình
06/10/2023 14:03
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 4/10, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông báo sẽ vẫn tới Tây Ban Nha để đàm phán với Liên minh châu Âu (EU), kể cả khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev rút khỏi các cuộc đàm phán này.
Trước đó cùng ngày, truyền thông nhà nước Azerbaijan đưa tin Tổng thống Aliyev đã quyết định không tham dự các cuộc đàm phán do EU làm trung gian tại Tây Ban Nha, nơi nhà lãnh đạo Azerbaijan có thể hội đàm với Thủ tướng Armenia Pashinyan.
Thủ tướng Pashinyan bày tỏ lấy làm tiếc vì đã lỡ cơ hội đàm phán với Tổng thống Aliyev, đồng thời tuyên bố sẵn sàng ký vào văn kiện mà ông gọi là "mang tính đột phá" liên quan đến đàm phán hòa bình giữa hai quốc gia Armenia và Azerbaijan. Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo này gặp nhau là vào tháng 7 vừa qua tại thủ đô Brussels của Bỉ.
Cuộc gặp 5 bên giữa các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Armenia, Azerbaijan và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel dự kiến diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh EU ở Granada, Tây Ban Nha, trong ngày 5/10. Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành những nhân tố chủ chốt trong nỗ lực giải quyết tranh chấp tại khu vực Nagorny-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan.
Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia và muốn sáp nhập vào nước này. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền dai dẳng giữa hai nước láng giềng. Ngày 19/9 vừa qua, Azerbaijan đã triển khai chiến dịch quân sự tại Nagorny-Karabakh sau khi 4 cảnh sát và 2 dân thường nước này thiệt mạng trong các vụ nổ mìn ở đây.
Liên quan đến tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan, ngày 4/10, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khẳng định sẵn sàng hỗ trợ duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Caucasus cũng như giải quyết những khác biệt giữa hai quốc gia vùng Trung Á này. Nhà lãnh đạo Iran đưa ra phát biểu này trong các cuộc gặp riêng rẽ với Thư ký Hội đồng An ninh Armenia Armen Grigoryan và Đại diện của Tổng thống Azerbaijan về các nhiệm vụ đặc biệt Khalaf Khalafov.
Tại các cuộc gặp này, Tổng thống Raisi kêu gọi hai nước giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, bày tỏ ủng hộ cơ chế đàm phán 3+3, quy tụ 3 quốc gia thuộc khu vực Caucasus là Armenia, Azerbaijan và Gruzia, cùng 3 nước láng giềng là Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ chế đàm phán này do Iran đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề khu vực.
Các bài viết cùng chuyên mục
Hơn một triệu người Ukraine sống trong cảnh mất điện giữa mùa đông khắc nghiệt
Hy vọng mới cho hòa bình Trung Đông
Thuế quan mới của ông Trump: Cơ hội và thách thức cho các nền kinh tế châu Á
Tổng thống Palestine chỉ định người kế nhiệm tạm thời trong tương lai
Nga xây dựng hệ thống phòng không đa tầng để ứng phó tên lửa ATACMS
Hy Lạp trưng bày cổ vật ngay trong ga tàu điện ngầm
Một số quận ở Ấn Độ đóng cửa trường học do mưa lớn khi bão Fengal tiến gần
FED dự kiến giảm lãi suất nhưng với tốc độ thận trọng
Hạ viện Australia thông qua dự luật cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội
SoftBank muốn tăng cổ phần tại OpenAI