Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

05/11/2020 16:33

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của công nghệ nghe nhìn đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc. Để duy trì, phát triển và lan tỏa văn hóa đọc trong kỷ nguyên số là thách thức không nhỏ đối với những người làm văn hóa hiện nay. Bàn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phỏng vấn TS Vũ Dương Thúy Ngà- Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 TS Vũ Dương Thúy Ngà- Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.(Ảnh:TT)

PV“Xây dựng văn hóa đọc”, “phát triển văn hóa đọc” đang được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của công nghệ nghe nhìn đang làm cho chủ trương này đứng trước thách thức lớn. Quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực tế này như thế nào?

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của công nghệ nghe nhìn đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc. Nhưng tôi nghĩ Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra những thách thức mà còn tạo nhiều cơ hội cho văn hóa đọc.

Để biến thách thức thành cơ hội, ngành thư viện cũng như xuất bản phải bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số của thời đại nếu không muốn tụt lại phía sau. Chính internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn sẽ giúp cho người đọc tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin của các thư viện và xuất bản phẩm một cách dễ dàng thuận lợi hơn. Công nghệ nghe nhìn sẽ giúp các tác giả, các nhà xuất bản và các thư viện dễ dàng tiếp cận với bộ sưu tập tài liệu đa phương tiện. Mặt khác viiệc giới thiệu, quảng bá tác phẩm với hình thức nghe nhìn sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn. Có thể lấy minh chứng, qua kênh “Cùng bạn đọc sách”, sau khi nghe và xem các mục “Sách hay nên đọc” hay “Đọc sách cùng bạn”, nhiều người đã tìm đọc và mua sách để có thể nghiền ngẫm lâu dài.

Để chủ động  trước sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2020” trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11 tới. Bên cạnh đó, Bô cũng sắp Tổng kết  việc thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ nội dung Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn từ 2021 đến 2030”, trong đó sẽ đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh khoa học và công nghệ không ngừng phát triển.

PVLuật Thư viện đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, đánh dấu một mốc quan trọng trong hoạt động thư viện thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kỳ vọng gì trước Luật Thư viện đối với văn hóa đọc trong cộng đồng?

Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Trong Luật Thư viện đã có nhiều quy định đón trước để các thư viện phát triển và bắt kịp với những yêu cầu đặt ra trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 : Từ những quy định về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của thư viện, đến những quy định cụ thể về hoạt động thư viện, hiện đại hóa thư viện, phát triển thư viện số, phát triển văn hóa đọc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng Luật Thư viện sẽ tạo động lực cho văn hóa đọc phát triển. Và đó cũng chính là những yếu tố đảm bảo để văn hóa đọc phát triển bền vững trong tương lai.

PVThực trạng hoạt động của các thư viện hiện nay? Để Luật Thư viện đi vào đời sống, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai các Kế hoạch hành động cụ thể nào? Phía các địa phương và doanh nghiệp được Bộ định hướng ra sao để triển khai Luật Thư viện, từng bước tạo điều kiện để người dân có môi trường tốt hơn, thân thiện hơn để tiếp cận thông tin và tri thức, thực hiện việc học tập suốt đời một cách dễ dàng, thuận lợi ở mọi nơi, mọi lúc?

Hiện  nay Việt Nam đã có một mạng lưới thư viện rộng khắp bao gồm nhiều loại hình, có nhiều thư viện do Nhà nước thành lập nhưng cũng có khoảng 20.000 thư viện cộng đồng và 200 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Các thư viện đang từng bước hiện đại hóa và tạo môi trường đọc thuận lợi với nhiều tiện ích cho người đọc. Để LuậtThư viện đi vào cuộc sống, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 3283/BVHTTDL-TV ngày 08/9/2020 gửi các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Bộ cũng đã tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và nhân viên thư viện và đang biên soạn tài liệu phổ biến Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổ chức triển khai một số nội dung sau: Các địa phương đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí vai trò của thư viện và phát triển văn hóa đọc, các chính sách của Nhà nước về đầu tư, hỗ trợ và đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc; xây dựng, kiện toàn và củng cố hệ thống thư viện công cộng; chỉ đạo việc hiện đại hóa thư viện, xây dựng cơ chế phối hợp giữa thư viện với cơ quan, tổ chức để phát triển thư viện và văn hóa đọc; xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thư viện (hiện đại hóa thư viện, xây dựng thư viện số, số hóa tài liệu), xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện liên thông theo quy định của pháp luật và phù hợp với nhu cầu, điều kiện của địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hoạt động hỗ trợ cho thư viện và các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc tại doanh nghiệp và cộng đồng.

 Để giữ gìn và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trong thời gian qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều chương trình, sáng kiến (Ảnh: TT)

PV: Được biết năm nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Việc tổ chức cuộc thi như thế này góp phần như thế nào với việc thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, nhất là trong học sinh, sinh viên hiện nay vốn rất nhanh chóng thích nghi với công nghệ nhưng lại “lười” đọc sách?

Như một sáng kiến nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, năm nay Bộ tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc.Cuộc thi dành cho học sinh và sinh viên trên toàn quốc đã góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với thanh thiếu niên nhi đồng. Qua Cuộc thi có thể nhận thấy, học sinh, sinh viên không lười đọc sách như nhiều người vẫn nghĩ. Nhiều em đã có những mối quan tâm đến việc đọc của cá nhân mình, bạn bè và cộng đồng. Qua đó, có thể nhận thấy nguyện vọng và sở thích của các em và những vấn đề còn trống vắng trong những hoạt động cần hỗ trợ và khuyến khích học sinh, sinh viên đọc sách. Cuộc thi đã thực sự trở thành một sự kiện văn hóa khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo và đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

PVNgoài tổ chức Cuộc thi Văn hóa đọc, được biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh học tập suốt đời, đến nay kết quả ra sao?

Giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiết lập và ký kết các chương trình phối hợp công tác trong việc phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh học tập suốt đời cho người dân ở cơ sở và cho học sinh trong các nhà trường. Cụ thể là:

Chương trình phối hợp công tác số 430 ngày 04/02/2013 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện - Văn hoá xã giai đoạn 2013 - 2020 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Các thư viện cấp tỉnh và huyện đã thực hiện hơn 11.000 lượt luân chuyển sách báo đến BĐVHX với tổng số sách báo đạt gần 2 triệu bản sách, phục vụ ước khoảng 13 triệu lượt người dân đến đọc.

Chương trình phối hợp công tác số 122 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2020 trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện cũng đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực và đáng ghi nhận. Qua hơn 05 năm thực hiện Chương trình 122 các thư viện cấp tỉnh, huyện đã  luân chuyển và phục vụ cho 10.588 trường học với 26.174 đợt luân chuyển của thư viện cấp tỉnh và 19.463 đợt luân chuyển của thư viện cấp huyện; số lượng học sinh được phục vụ là: 68.527.705 học sinh; số lượng sách báo được phục vụ luân chuyển từ thư viện công cộng đến các trường học trên phạm vi cả nước là 102.790.705 lượt.

Tuy nhiên, tại một số địa phương do ngân sách bố trí cho việc thực hiện các chương trình phối hợp công tác này chưa được bảo đảm nên  việc phát triển kho sách luân chuyển chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Sách báo luân chuyển của các thư viện còn chưa bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Mặt khác, do thực hiện phục vụ lưu động và luân chuyển ngoài thư viện nên tỷ lệ hao hụt sách trong quá trình luân chuyển còn cao, tình trạng mất sách không thể tránh khỏi. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của các bên liên quan khi triển khai thực hiện các chương trình phối hợp công tác, các thư viện cần được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để không ngừng phát triển kho sách luân chuyển./.

PVXin trân trọng cảm ơn TS Vũ Dương Thúy Ngà.

 
Thanh Thảo (thực hiện)
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới