Bắn súng Việt Nam kỳ vọng giành vé Olympic bằng những 'cái tên cũ'

03/07/2020 09:54

Bắn súng Việt Nam tỏa sáng rực rỡ tại sân chơi Thế vận hội khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành tấm Huy chương Vàng Olympic Rio 2016. 4 năm sau, niềm hy vọng Olympic của môn này vẫn hướng về thế hệ đàn anh giàu kinh nghiệm.

Sẵn sàng cho giải đấu "săn vé" Olympic

Thể thao Việt Nam đang tập trung cao độ cho kế hoạch tập luyện chuẩn bị cho những mục tiêu lớn sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính đến thời điểm này, môn bắn súng của Việt Nam vẫn chưa thể giành được vé tham dự Olympic Tokyo 2020 vì thế các VĐV tuyển bắn súng của nước ta đang tích cực tập luyện cho các giải đấu lớn sắp tới.

Chú thích ảnh

Mục tiêu chinh phục suất tham dự Olympic vẫn được đặt vào tay cácVĐV kỳ cựu như xạ thủ Trần Quốc Cường. Ảnh: TTXVN

Bắn súng là một trong những thể thao trọng điểm, thế mạnh của Thể thao Việt Nam tại các sân chơi quốc tế quan trọng như SEA Games, Asian Games, Olympic. Do điều kiện ngoại cảnh bởi dịch COVID-19 nên giải Cúp Bắn súng của thế giới dự kiến diễn ra vào tháng 5 tại Ấn Độ đã không thể tổ chức đúng như dự kiến. Đây là giải đấu rất quan trọng, là cơ hội cuối để các tay súng Việt Nam giành vé dự Olympic Tokyo 2020.

Khi nói về cơ hội giành vé Olympic Tokyo 2020 của đội tuyển Bắn súng nước ta với báo chí, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung khẳng định: Liên đoàn Bắn súng thế giới chọn vận động viên tham dự Olympic 2020 dựa theo thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới của môn Bắn súng. Cách tính mới đòi hỏi vận động viên phải đạt thành tích cao, ít nhất phải đạt thứ hạng 16 thế giới. Trong khi đó, Trần Quốc Cường đang xếp hạng 18 thế giới, Hoàng Xuân Vinh hạng 26 thế giới, nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Như vậy, cơ hội của xạ thủ Trần Quốc Cường đang nhiều hơn người đồng đội Hoàng Xuân Vinh, nhà vô địch Olympic Rio 2016 nội dung 10m súng ngắn hơi. Muốn giành được tấm vé tham dự Olympic, các xạ thủ Việt Nam phải cải thiện thành tích của mình để lên vị trí thứ 16 thế giới.

Bà Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh: Để cải thiện thành tích này không hề dễ dàng, cả hai phải giữ được phong độ ổn định để có thể lọt vào chung kết hoặc tốt hơn là trong nhóm giành huy chương tại Cúp Bắn súng thế giới 2020 ở Ấn Độ.

Trong trường hợp Cúp Bắn súng thế giới 2020 không thể tổ chức, cơ hội giành vé tham dự Olympic 2020 của Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường là rất mong manh. Mặc dù, khó khăn là thế, song vị huấn luyện trưởng đội tuyển Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng, chắt chiu cơ hội với niềm tin có thể giành vé dự Olympic Tokyo 2020 vào phút cuối”

Dần chuyển hướng đầu tư sang lứa vận động viên trẻ

Tấm Huy chương Vàng nội dung 10m súng ngắn hơi nam, Huy chương Bạc nội dung 50m súng ngắn bắn chậm tại Olympic Rio 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là dấu mốc vô cùng quan trọng và đáng nhớ của Thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic. Đây là thành tích chưa từng có được từ trước đến nay của Thể thaoh Việt Nam.

Chú thích ảnh

Chuyển hướng đầu tư sang vận động viên trẻ sẽ là mục tiêu xuyên suốt trong định hướng phát triển của Bắn súng Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Bắn súng Việt Nam cũng có rất nhiều thành tích nổi bật tại các giải thế giới, châu lục trong nhiều năm qua. Song thực tế cho thấy, hầu hết thành tích ấn tượng đó đều chỉ gắn với số ít xạ thủ kỳ cựu là Hoàng Xuân Vinh và đồng đội Trần Quốc Cường, Hà Minh Thành. Còn lứa vận động viên trẻ của tuyển Bắn súng Việt Nam chưa để lại nhiều dấu ấn đậm nét về thành tích ở sân chơi quốc tế lớn. Đó có lẽ là lý do, cho đến thời điểm này, niềm hy vọng giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020 của bộ môn Bắn súng vẫn được đặt lên vai 2 xạ thủ kỳ cựu kể trên.

Lý giải cho vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung cho hay, với nguồn kinh phí đầu tư cho công tác tập huấn, trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện như Trường bắn đủ tiêu chuẩn, đạn tập luyện vẫn còn khá khiêm tốn, nên hầu hết bộ môn và ban huấn luyện phải cân nhắc rất kỹ để đưa ra các quyết định ưu tiên cho các vận động viên trọng điểm phục vụ cho mục tiêu lớn. Chính vì vậy, nguồn kinh phí đầu tư cho lứa vận động viên trẻ kế cận sẽ bị hạn chế hơn về cơ hội thi đấu cọ xát và tập huấn tại nước ngoài. Có lẽ đó chính là 1 trong số những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tuyển Bắn súng Việt Nam chưa có lực lượng vận động viên đồng đều, hay nói đúng hơn là lứa vận động viên kế cận chưa đủ tầm để có thể thay thế các xạ thủ kỳ cựu.

Cùng với đó, công tác tuyển chọn vận động viên trẻ ở bộ môn Thể thao này không phải dễ dàng. "Trước đây, có thể tuyển chọn từ 10 đến 15 vận động viên tại các địa phương hàng đầu về môn Bắn súng cho đội tuyển quốc gia thì nay, có khi chỉ chọn được 1 - 2 vận động viên. Đây là thực tế mà các nhà chuyên môn và quản lý luôn suy nghĩ và cần sớm tìm ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục trong thời gian tới" - bà Nhung cho biết thêm.

"Để tính đường dài cho những mục tiêu của 6 - 8 năm tới thì Bắn súng Việt Nam cần phải có thời gian đầu tư cho lớp vận động viên trẻ của tuyển quốc gia. Song để thực hiện nhiệm vụ trước mắt là giành vé dự Olympic Tokyo 2020 cơ hội vẫn được trao cho lớp vận động viên kỳ cựu như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường. Trong khi đó, SEA Games 31 sẽ là nơi đánh dấu sự thay đổi về lực lượng của đội tuyển Bắn súng Việt Nam, nhất là ở phân đội súng ngắn" - "bông hồng thép" của đội tuyển Bắn súng Việt Nam khẳng định.

Thực tế vận động viên kỳ cựu sắp qua thời kỳ đỉnh cao trong khi lứa vận động viên kế cận chưa thể thực hiện mục tiêu lớn là điều thường thấy ở nhiều môn thể thao. Xoay hướng đầu tư sang vận động viên trẻ sẽ là mục tiêu xuyên suốt trong định hướng phát triển của Bắn súng Việt Nam và toàn ngành Thể thao trong thời gian tới.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới