Xuất khẩu cá tra có thêm nhiều tín hiệu tích cực

26/05/2022 07:07

Sau gần 8 tháng trở về bình thường mới, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đã nhanh chóng tăng tốc để đưa nhịp giao thương trở lại bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh thị trường truyền thống, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra cũng tìm đường đi mới để con cá tra “rộng đường bơi” hơn.

Chú thích ảnh

Chế biến cá tra tại nhà máy. Ảnh minh họa: TTXVN

Mở thêm nhiều thị trường mới

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra ước đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này đang tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp cá tra trên chặng đường chinh phục thị trường sắp tới. Điều này được thể hiện cụ thể qua những con số tăng trưởng tại các thị trường Mexico, Thái Lan và Ai Cập. 

Các chuyên gia ngành cá tra cho biết, song song với xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, các doanh nghiệp chế biến và xuất  khẩu cá tra hiện đang tích cực mở rộng thị trường cho con cá tra sau khi trở lại bình thường mới. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đã rất năng động phát triển sang các thị trường tiềm năng. Trong số đó có 3 thị trường đáng chú ý là: Mexico, Ai Cập và Thái Lan. Nhờ vậy, hoạt động xuất khẩu cá tra sang 3 thị trường này nhộn nhịp hơn bao giờ hết và số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng đông đảo hơn trước. 

Bà Tạ Hà, chuyên gia ngành hàng cá tra thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chia sẻ, hiện nay Mexico là thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong khối thị trường CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt trên 50 triệu USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường Thái Lan cũng đạt gần 50 triệu USD, tăng 80% so với cùng kỳ. Hay kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Ai Cập tuy chỉ đạt giá trị khoảng hơn 15 triệu USD nhưng tăng đến 85% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy các thị trường trên đang hấp thu rất tốt sản phẩm cá tra của Việt Nam.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Thái Lan vốn là bạn hàng mới của ngành cá tra Việt Nam trong những năm gần đây. Cũng giống như Trung Quốc, Thái Lan thuận lợi về khoảng cách địa lý, cùng với nhu cầu nhập khẩu cá tra tăng trưởng đã thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm đến thị trường này. Cho tới nay, có tới gần 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tích cực sang thị trường Thái Lan. Ngoài ra, Malaysia cũng đang là thị trường mục tiêu của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm nay. 

Thêm nhiều nhà máy được công nhận đưa hàng sang Mỹ

Thị trường Mỹ luôn là thị trường quan trọng của sản phẩm cá tra chế biến Việt Nam. Chính vì vậy, việc nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất cá tra chế biến cho các nhà máy là điều mà doanh nghiệp chế biến cá tra nào cũng mong muốn. Vừa qua, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ. Như vậy cho tới điểm hiện tại, FSIS đã công nhận 19 nhà máy trong danh sách này. 

Mới đây, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cũng bổ sung thêm 2 doanh nghiệp vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á – Âu. Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa tới hồi kết, sau sự ngưng trệ của hoạt động giao thương thì nay xuất khẩu cá tra sang hai thị trường này đã kết nối trở lại. Những diễn biến mới này có thể thúc đẩy xuất khẩu cá tra tăng trưởng khả quan hơn nữa trong thời gian tới.

Điều này chứng minh, ngành cá tra Việt Nam hiện đang nhận được nhiều tín hiệu tích cực để phục hồi mạnh sau thời gian dài chịu nhiều khó khăn vì giãn cách xã hội, giá cước vận chuyển hay sự gia tăng giá cả đầu vào do hiệu giá xăng dầu tăng cao. 

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ ước đạt 243 triệu USD, tăng hơn 130% so với cùng kì năm 2021. Nay với sự công nhận thêm 6 nhà máy đủ tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm sang thị trường Mỹ, dự báo lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Tuy nhiên, để toàn ngành cá tra được sản xuất, chế biến và xuất khẩu thuận lợi với điều kiện thị trường hiện nay, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu phải được đảm bảo nguồn nguyên liệu. Thế nhưng, mỗi chu kỳ cá tra tối thiểu 6 tháng, các doanh nghiệp vừa xuất khẩu, vừa lo xoay vòng nguyên liệu để đáp ứng công suất nhà máy.

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I chia sẻ, nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh ở các thị trường xuất khẩu chính khiến mấy tháng nay doanh nghiệp sản xuất không kịp trả đơn hàng. Doanh nghiệp phải tính toán tăng công suất hoạt động để đáp ứng các đơn hàng tăng mạnh trong năm nay. Hiện I.D.I đã ký đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II năm nay. Đồng thời, công ty cũng đã chuẩn bị kho hàng dự trữ 1.400 tỷ đồng cá tra cho đợt nhu cầu thị trường phục hồi này, đặc biệt là xuất khẩu sang Mexico và Brazil – nơi I.D.I chiếm thị phần lớn. 

Như vậy, với tín hiệu tích cực của thị trường, cùng với sự chuẩn bị nguồn nguyên liệu, ngành cá tra có thêm nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới