Xây dựng chuỗi liên kết - tiêu thụ thanh long xuất khẩu

26/09/2023 09:54

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, toàn tỉnh hiện có gần 7.500 ha thanh long chuyên canh, với năng suất bình quân gần 35 tấn/ha và sản lượng trên 260.000 tấn quả/năm, chủ yếu cung ứng xuất khẩu.

Chú thích ảnh

Sơ chế thanh long xuất khẩu tại huyện Chợ Gạo.

Vùng sản xuất thanh long tập trung ở 4 huyện là Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phước. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn thanh long xuất khẩu, Tiền Giang chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh gắn với cơ giới hóa các khâu canh tác, xây dựng chuỗi liên kết - tiêu thụ cây thanh long; trong đó, diện tích thanh long được cấp chứng nhận VietGAP đạt gần 2.000 ha và thanh long đạt chứng nhận GlobalGAP đạt 110 ha. Tổng diện tích thanh long GAP của Tiền Giang đạt chứng nhận GAP cho sản lượng thu hoạch hàng năm trên 67.000 tấn và chiếm khoảng 23,4% tổng sản lượng toàn tỉnh.

Tiền Giang đang phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích thanh long đạt tiêu chí GAP lên 3.600 ha.Thâm canh theo khoa học nhằm đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng nguồn nông sản hàng hóa tốt trên cây thanh long đặc sản cũng đạt nhiều tiến bộ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, diện tích thanh long được cơ giới hóa khâu tưới tiêu đạt 73,4% tổng diện tích vùng chuyên canh, 60 - 70% tổng diện tích sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học, trên 80% diện tích được nông dân xử lý rải vụ thông qua biện pháp xông đèn bằng các loại đèn tiết kiệm điện…

Tiền Giang cũng đã triển khai dự án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thanh long tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030” nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm theo hướng gắn kết sản xuất với kinh doanh, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến sâu xuất khẩu, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu… Qua đó, hình thành 18 hợp tác xã sản xuất - kinh doanh thanh long với 2.236 thành viên và tổng diện tích 1.650 ha.

Nhiều mô hình hiệu quả gắn kết vùng nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, mở rộng thị trường ngoài nước như Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An liên kết Công ty TNHH MTV rau quả Mê Kông và Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm THABICO;  Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát kết nối với Công ty cổ phần Smart Eco Farm,… đưa trái thanh long xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Trung Quốc và các nước khác với sản lượng khoảng 3.000 tấn quả/năm.

Tiền Giang đang nắm bắt cơ hội thuận lợi được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch các loại trái cây chủ lực sang Trung Quốc và các nước khác đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm phát triển vững chắc các vùng chuyên canh trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh tại địa phương, đặc biệt là thanh long.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, toàn tỉnh đã được cấp 77 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu với tổng diện tích 6.090 ha; trong đó, mã số vùng trồng cấp sang Trung Quốc là 29 mã số, tổng diện tích gần 5.500 ha, còn lại cấp sang các nước có yêu cầu cao khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hản Quốc, Australia… Đồng thời, cò 215 cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu đã được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 6.700 ha thanh long; trong đó, diện tích thanh long đang cho trái là 5.850 ha với sản lượng thu hoạch 190.000 tấn/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng cho biết, để phát triển bền vững cây thanh long, huyện Chợ Gạo đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp chính quyền các địa phương tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thanh long đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Tại vùng chuyên canh, địa phương hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP cho ra sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa...

Năm 2023, để phát huy hiệu quả vùng chuyên canh, huyện tiếp tục triển khai đề án Phát triển cây thanh long đến năm 2025 cũng như định hướng nông dân sản xuất và chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho cây thanh long Chợ Gạo trong nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của cây trồng đặc sản trên thị trường trong, ngoài nước.

Đáng mừng là với những nỗ lực lớn phát triển diện tích vườn chuyên canh, kết nồi giữa vùng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ, nâng chất lượng và khả năng cạnh tranh của nguồn nông sản xuất khẩu, đầu ra thanh long thuận lợi, nông dân bán được giá mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, thanh long Tiền Giang đang giữ giá khá cao, với mức 15.000 đến 18.000 đồng/kg bình quân đối với thanh long ruột trắng và từ 28.000 đến 32.000 đồng/kg tùy thời điểm đối với thanh long ruột đỏ. Với giá này, mỗi ha thanh long sau khi trừ chi phí nông dân thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới