Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI ‘chất lượng’ vào các khu công nghiệp

07/10/2018 15:12

Các khu công nghiệp, khu kinh tế hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc đổi mới kinh tế đất nước và có vai trò quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư từ đó tạo ra động lực lan tỏa trong phát triển kinh tế, xã hội từ các địa phương đến cả nước.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch Đầu tư, hàng năm, nguồn vốn đầu tư ngoài trực tiếp (FDI) chảy vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 60%-70% trên tổng vốn.

Thu hút 8.000 dự án FDI

Tới thời điểm tháng 6/2018, các khu công nghiệp đã thu hút được 8.000 dự án FDI, giá trị đăng ký đạt trên 174 tỷ USD.

“Điều này cho thấy các vào khu công nghiệp, khu kinh tế có tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Và, đây là cơ sở để tiếp tục phát huy, thu hút vốn đầu tư FDI trong thời gian tới,” ông Đông cho biết.

Theo Bộ Kế hoạch đầu tư, đến tháng 6/2018, cả nước đã có 326 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 95.000 ha, trong đó 230 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 96 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. 

Với lợi thế về cơ sở hạ tầng và điều kiện dịch vụ, các khu công nghiệp đã thu hút được nhiều dự án FDI có quy mô vốn cao. Năm 2017, vốn đầu tư trung bình đạt khoảng 22 triệu USD/dự án, cả nước ghi nhận có trên 500 dự án có vốn đầu tư trên 100 triệu USD, ngoài ra còn có những dự án tỷ USD (như Dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) với tổng số vốn 14,3 tỷ USD, Dự án sản xuất thép của Tập đoàn Formasa (Đài Loan) quy mô 10 tỷ USD…).

Nắm bắt được thời cơ, Đồng Nai là một trong những tỉnh đã phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương vào hoạt động thu hút vốn đầu tư, đến thời điểm 6/2018, cả tỉnh có 1.335 dự án FDI hoạt động với số vốn đăng ký xấp xỉ 28 tỷ USD.

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chia sẻ, “sau khi có Luật đầu tư năm 1987, vấn đề quan tâm hàng đầu của tỉnh là chuẩn bị quỹ đất công nghiệp và các điều kiện hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Nhờ đó đến nay, Đồng Nai đã có 32 khu công nghiệp với tổng diện tích 10.242 ha và trong đó 85,5% dự án đến từ khu vực FDI.

“Đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển và góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng, kinh tế của Đồng Nai liên tục tăng trong nhiều năm qua đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại,” ông Thái cho hay.

 

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Khai thác tài nguyên giá rẻ

Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư vào khu công nghiệp tại một số địa phương khác đã không được như mong đợi. 

Ông Trần Duy Đông đã chỉ ra một số nguyên nhân và hạn chế, các dự án FDI tại các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước có tình trạng chung là đa dạng ngành nghề, không tập trung thành một nhóm cụ thể nên thiếu tính liên kết, vì thế chưa tạo được các cụm sản xuất có quy mô để từ đó tăng khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất công nghiệp.

Thách thức khác cũng được đặt ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế lan rộng. Mặc dù kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp được nâng cao nhưng về cơ bản chưa đảm bảo hoàn thiện ở trình độ hiện đại để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. 

Các địa phương tập trung vào việc thu hút các dự án đầu tư, song chưa định hướng quyết liệt trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ khiến mối liên kết trong sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội gặp nhiều khó khăn.

“Điều này làm giảm động lực mở rộng sản xuất kinh doanh và hạn chế hoạt động chuyển giao công nghệ của các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam,” ông Trần Duy Đông chỉ ra.

Ngoài ra môi trường vẫn là vấn đề nhức nhối, theo ông Đông, hoạt động xử lý chất thải từ sản xuất, khai thác tài nguyên để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất vẫn đang là thách thức tại nhiều địa phương. Và, điều này cần giải quyết mạnh mẽ để đảm bảo tính bền vững trên địa bàn cả nước trong giai đoạn thúc đẩy thu hút vốn FDI tới đây.

Đồng tình với quan điểm trên, người đứng đầu tỉnh Đồng Nai đưa ra giải pháp, “phải đẩy mạnh các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm đối với môi trường phải khắc phục và bồi thường.”

Về phía địa phương, ông Đinh Quốc Thái cũng cho rằng, bên cạnh việc phát triển theo chiều rộng, tới đây các khu công nghiệp cần đi theo chiều sâu, thông qua giải pháp phát triển đa dạng các mô hình khu công nghiệp đồng thời lựa chọn các dự án có hàm lượng công nghiệp và giá trị gia tăng cao.

“Riêng đối với các khu công nghiệp, những dự án đầu tư tiếp giáp đô thị hiện hữu có mức ô nhiễm cao, đầu tư cải tạo kém hiệu quả thì có thể nghiên cứu chuyển sang quy hoạch phát triển đô thị, các lĩnh vực khác với lộ trình chuyển đổi thích hợp,” ông Thái nói.

Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm đánh giá, đây là thời cơ thuận lợi để thực hiện mục tiêu phát triển công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

“Tới đây, Bình Dương sẽ triển khai Đề án thành phố thông minh trên cơ sở nghiên cứu mô hình đột phá của các thành phố thông minh trên thế giới, qua đó tạo ra các cơ chế hợp tác chặt chẽ và năng động giữa nhiều thành phần kinh tế trong địa phương,” ông Trần Thanh Liêm gợi mở thêm cơ hội đầu tư vào địa phương./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới