Trả giá điện về đúng cơ chế thị trường có sự điều tiết của Chính phủ

09/11/2023 13:00

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm dứt khoát phải đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng trong mọi tình huống; có lộ trình tính đúng, tính đủ để có giá điện bán ra phù hợp trong nền kinh tế thị trường.

Tra gia dien ve dung co che thi truong co su dieu tiet cua Chinh phu hinh anh 1
Công nhân Công ty Truyền tải điện 1 kiểm tra thiết bị TBA 220 kV Xuân Mai. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Điện là sản phẩm hàng hóa đặc thù, được coi như đầu vào của mọi đầu vào, đóng vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh-quốc phòng của đất nước.

Trong những tháng hè vừa qua, từ việc để thiếu điện cục bộ ở một số nơi, một số địa điểm (khu vực miền Bắc) trong khi nguồn điện không thiếu nhưng do công tác điều hành, điều tiết còn có mặt hạn chế đã để lại những hệ lụy, tác động tiêu cực đến một số ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế cũng như niềm tin, chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với ngành điện.

Nhằm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm dứt khoát phải đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng trong mọi tình huống; có lộ trình tính đúng, tính đủ để có giá điện bán ra phù hợp trong nền kinh tế thị trường.

Thông tin về những nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm “điện đi trước một bước,” tại Tọa đàm "Cung ứng điện cho năm 2024 - Những vấn đề cấp bách đặt ra", do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều 7/11, Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cùng với cam kết trung hòa phát thải mà Thủ tướng đã thay mặt Việt Nam cam kết tại COP 26, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã rất quyết liệt, lấy đó là một trong những trọng tâm để đẩy mạnh phát triển đồng bộ cả về nhiệt điện, thủy điện, truyền tải cũng như năng lượng tái tạo.

Trong năm 2023, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu lại cơ chế điều hành giá điện hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và ngân sách nhà nước.

“Tôi nghĩ rằng, hoạt động chỉ đạo bảo đảm cung ứng điện trong nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoạt động rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,” Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên nói.

Đề cập đến câu chuyện tiềm năng về điện của chúng ta không thiếu, nhưng thời gian vừa qua lại xảy ra thiếu điện cục bộ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế phân tích các nguyên nhân.

Theo ông, nguồn thủy điện do ảnh hưởng của thủy văn nên không cung cấp đủ nước cho phát điện, cộng thêm sự cố đối với nguồn nhiệt điện.

Trong khi đó, cuối tháng 5, đầu tháng 6 là thời điểm nắng nóng cục bộ, nhu cầu điện tiêu tốn, đã dẫn đến hiện tượng thiếu điện.

Cũng theo Phó Giáo sư Ngô Trí Long, trong đầu tư một số nguồn điện, giá là một điểm nghẽn rất quan trọng.

Điện là lĩnh vực độc quyền, Nhà nước quy định giá. Chính phủ luôn coi điện là một nguồn đầu vào quan trọng, tác động tới mọi mặt của nền kinh tế, nhưng điều hành giá điện cần phải có sự điều tiết của Nhà nước.

Tra gia dien ve dung co che thi truong co su dieu tiet cua Chinh phu hinh anh 2
Công nhân Công ty Truyền tải điện 1 kiểm tra thiết bị TBA 220 kV Xuân Mai. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

“Khi quyết định giá, phải tính đúng, tính đủ, kịp thời. Đúng, đủ nhưng phải 3 năm sau mới 'kịp thời' thì không nên. Trong tình hình như vậy, theo quan điểm cá nhân tôi, đối với một lĩnh vực độc quyền do Nhà nước quyết định, chúng ta tính toán đầy đủ chi phí, tính đúng, tính đủ, tính hợp lý và kịp thời để đủ bù đắp chi phí, có mức lãi nhất định, như vậy mới có nguồn cung ứng đảm bảo,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Trí Long cho hay.

Bình luận về ý kiến này, Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ: “Làm thế nào phản ánh đúng tác động thị trường lên giá, đồng thời giúp cho ngành có thể vận hành được về dài hạn. Nếu giá không bảo đảm, không đúng, có thể nhắm tới một số lợi ích xã hội nào đấy, nhưng dài hạn, chưa chắc lợi ích xã hội đó được bảo đảm.”

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, việc kiểm tra, thanh tra hết sức quan trọng vì có thể hạ được giá điện nếu tiết kiệm hợp lý, chống được các hiện tượng tiêu cực trong vận hành, kinh doanh ngành Điện. Kiểm tra, giám sát để bảo đảm vận hành khách quan, trung thực và các chuẩn mực về đạo đức, chuẩn mực kỹ thuật, kinh doanh được bảo đảm.

Đề cập về những bất cập của ngành Điện, từ quy hoạch đến tổ chức quy hoạch ở cả 3 khâu: sản xuất, truyền tải và phân phối, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho biết, về mặt cơ cấu giá thành, cung ứng điện gồm có 4 phần: Sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành. Phần nguồn điện, cơ bản hiện nay, các biến động của đầu vào sẽ dẫn đến biến động của nguồn điện.

Các phần còn lại, từ truyền tải, đến phân phối, bán lẻ, giá điện do Chính phủ quy định và thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ.

“Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn và kỳ vọng là cơ chế điều chỉnh giá của Chính phủ mang hơi hướng, tín hiệu của thị trường,” Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi bày tỏ.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho biết giai đoạn vừa qua là giai đoạn rất đặc thù, vừa trải qua thời kỳ dịch COVID-19, vì vậy thời lượng, chu kỳ điều chỉnh giá chưa thực sự đảm bảo theo tín hiệu của thị trường.

Đặc biệt sau COVID-19, chúng ta lại bị biến động theo thị trường của thế giới. Giá dầu, xăng, khí đốt tăng, trong khi lại phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô dẫn tới ngành Điện hoạt động tương đối khó khăn.

Theo ông, phải cân nhắc rất rõ, rất kỹ lưỡng bài toán điều tiết giá điện, trả giá điện về đúng theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Chính phủ, để đảm bảo ngành phát triển bền vững, từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững và an sinh xã hội mới được đảm bảo.

Trong năm 2024, mệnh lệnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đề cập đến vấn đề này, ông Bùi Xuân Hồi cho hay, các giải pháp đặt ra là điều tiết nguồn điện từ miền Nam, miền Trung ra, xây dựng thật nhanh đường truyền tải điện, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển giá điện ở khu vực miền Bắc.

Cùng với nỗ lực đưa nhanh các nhà máy, đường dây truyền tải vào, cần tính đến các phương án nhập khẩu và chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện kỹ thuật để nhập khẩu điện.

Từ đó, chúng ta mới lên được bài toán tổng thể là đưa nguồn lưới vào được bao nhiêu, những cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo ở miền Bắc được bao nhiêu và bài toán nhập khẩu như thế nào, để đảm bảo cung ứng điện cho năm 2024.

“Phải luôn có những phương án dự phòng khác để đảm bảo năm 2024 kịp có các nguồn khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của cả nền kinh tế,” ông Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới