Thành phố Hải Phòng gắn thu hút vốn FDI với phát triển bền vững

16/09/2018 17:28

Thu hút FDI đóng góp đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, giải quyết việc làm, chuyển giao công nghệ và giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia.

Dây chuyền sản xuất lôp của hãng Bridgestone ở Hải Phòng. (Nguồn: TTXVN)

Từ nhiều năm nay, thu hút nguồn vốn FDI là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố cảng.

Tiềm năng và sự khác biệt

Thành phố Hải Phòng có lợi thế khác biệt, đủ 5 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không) và hiện là trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc, một trong ba cực tăng trưởng quan trọng nhất của vùng kinh tế động lực phía Bắc. Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế này, ngay từ năm 1993, Hải Phòng hình thành Khu chế xuất Hải Phòng có diện tích 150ha (sau này chuyển thành Khu công nghiệp Đồ Sơn) và năm 1994 ra đời Khu công nghiệp Nomura (164 ha).

Khu công nghiệp Nomura-Hải Phòng là liên doanh giữa thành phố Hải Phòng và Tập đoàn Nomura (Nhật Bản). Đây là một trong những khu công nghiệp được thành lập đầu tiên của cả nước và được đánh giá là một khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại tại Việt Nam cũng như trong khu vực tại thời điểm đó.

Các doanh nghiệp đầu tư vào đây đều có thương hiệu nổi tiếng tại Nhật Bản, Mỹ và trên thế giới với số vốn đầu tư lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh trong những ngành công nghệ cao, công nghệ sạch. Hiện Khu công nghiệp Nomura đã thu hút 60 nhà đầu tư và tạo việc làm khoảng 20.000 lao động.

Từ thành công của Khu công nghiệp Nomura, Hải Phòng liên tiếp hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp quy mô, đồng bộ, hiện đại về cơ sở hạ tầng như: Khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải, Khu Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ VSIP Hải Phòng, Khu công nghiệp Tràng Duệ...

Tính đến tháng 7/2018, thành phố có 553 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 15,7 tỷ USD. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp (76,49%), cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản (18,22%), thương mại (2,8%), dịch vụ (2,17%), các lĩnh vực khác (0,38%).

Trong số gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại thành phố, Nhật Bản đứng đầu về số dự án và đứng thứ hai về vốn đầu tư (sau Hàn Quốc) với 137 dự án đầu tư, tổng số vốn đầu tư 4,6 tỷ USD, chiếm 24,77% số dự án và 29,29% tổng vốn đầu tư còn hiệu lực.

Nhiều dự án sản xuất công nghiệp của các tập đoàn lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã đầu tư tại Hải Phòng như: Nhà máy sản xuất lốp xe cao su của Bridgestone Corporation (Nhật Bản) với số vốn đầu tư 574,8 triệu USD; dự án sản xuất thuốc tiêu chuẩn cao Nipro Pharma Corporation (Nhật Bản) với vốn đầu tư 250 triệu USD; dự án sản xuất máy in, máy photocopy và máy đa năng của Fuji Xerox (Nhật Bản) với vốn đầu tư 119 triệu USD; dự án sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử và điện tử công nghệ cao của Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Electronic Việt Nam - Hải Phòng (Hàn Quốc) với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD...

Có thể nói rằng, nguồn vốn FDI có nhiều đóng góp làm gia tăng năng lực sản xuất và tăng trưởng kinh tế của thành phố; phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; giải quyết việc làm cho người lao động; nâng năng lực cạnh tranh của khu vực trong nước, của nền kinh tế, tạo điều kiện tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...

Các doanh nghiệp FDI góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) thành phố Hải Phòng đạt từ dưới 10% trước năm 2010 và cán mốc 16,3% trong 6 tháng đầu năm 2018, cao nhất cả nước. 

Tiếng nói từ nhà đầu tư

Đại diện Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C, ông Frank Wouters - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ đánh giá cao việc thành phố phát triển hàng loạt các công trình cơ sở hạ tầng trọng yếu như: Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Cảng nước sâu Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện...góp phần đưa Hải Phòng trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới .

Tính đến nay, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C thu hút được gần 80 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Các khách hàng của Tổ hợp này bao gồm Bridgestone, Nakashima, JX, Knauf…. DEEP C có đóng góp đáng kể trong việc phát triển tỷ trọng công nghiệp, tạo trên 10.000 việc làm và có đóng góp lớn vào ngân sách thành phố.

Ông Frank Wouters nhận thấy, hiện nhiều bạn trẻ Hải Phòng trở về quê hương để nắm bắt cơ hội mới. Những bạn trẻ này trước đây đã phải rời xa thành phố Hải Phòng để tìm kiếm cơ hội việc làm ở nơi khác, nhưng nay quay trở về thành phố. 

Phó Tổng Giám đốc Khu Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ VSIP Hải Phòng, ông Kenny Lieu nhận định, Hải Phòng trải qua một cuộc cải cách toàn diện và vững chắc, tạo kết nối sâu rộng trong hệ thống giao thông đường bộ, đường biển và đường hàng không. Hải Phòng sẽ thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến thành lập dự án mới nhờ vào cơ sở hạ tầng thuận lợi, ưu đãi về thuế áp dụng cho khu kinh tế cũng như nguồn lao động lành nghề sẵn có.

Ông Kenny Lieu cho biết, VSIP Hải Phòng được thành lập năm 2008 và bắt đầu triển khai dự án phức hợp 1.600 ha Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ vào năm 2010 với tổng vốn đầu tư ban đầu 268 triệu USD. Đến nay, VSIP Hải Phòng thu hút được 46 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD; trong đó, số lượng nhà đầu tư Nhật Bản chiếm ưu thế với các thương hiệu toàn cầu như: Kyocera, Nipro Pharma, Fuji Xerox, Zeon…. VSIP Hải Phòng tạo môi trường lao động tốt và an toàn cho 35.000 lao động địa phương. VSIP Hải Phòng hy vọng mang đến nhiều cơ hội việc làm hơn trong thời gian tới, đồng nghĩa với việc có nhiều lao động từ các tỉnh bạn đến Hải Phòng làm việc.

Tăng sức hút cho thành phố cảng

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định, trong top 10 các địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư, thành phố Hải Phòng tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng bộ máy chính quyền chuyên nghiệp, cởi mở, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tới Hải Phòng.

Hải Phòng cũng tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW và Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa", Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV, phấn đấu đến năm 2020 triển khai thêm, mở rộng diện tích của các Khu công nghiệp từ 4.000 - 5.000 ha; gắn thu hút FDI với phát triển bền vững, với chuyển giao công nghệ, đổi mới thiết bị cũng như giải quyết vấn đề về môi trường.

Cùng với đó, thành phố tạo liên kết hợp lý giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc tế. Đồng thời, xây dựng chiến lược, chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội thành phố; tăng cường quản lý nhà nước với việc thu hút và sử dụng vốn FDI.

Giai đoạn 2016-2020, Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư FDI đạt 10 tỷ USD; lấp đầy diện tích đất công nghiệp các Khu công nghiệp đã đưa vào hoạt động đạt tỷ lệ trên 60%; đảm bảo đủ nguồn lao động cung cấp cho doanh nghiệp với số lượng dự kiến khoảng 170.000 người vào năm 2020./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới