Thanh Hóa: Sản phẩm cói được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính
16/11/2023 10:00
Các công ty, hợp tác xã chế biến xuất khẩu của Thanh Hóa đã mạnh dạn sáng tạo hàng nghìn sản phẩm độc đáo từ cói như chổi, túi xách, thùng đụng đồ, thúng… và xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ.
Các sản phẩm từ cói của Nga Sơn (Thanh Hóa) đã đi muôn nơi, tạo nhiều việc làm, đem lại thu nhập cho người dân địa phương. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Quảng Xương và Nga Sơn của tỉnh Thanh Hóa từ lâu đã được xem là “Vương quốc cói” của cả nước.
Với hơn 1.500ha diện tích trồng cây cói, hai địa phương này đã đầu tư, phát triển nhiều mô hình kinh tế tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao từ cây cói. Qua đó, từng bước chinh phục được những thị trường khó tính nhất, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho lao động địa phương.
Huyện ven biển Nga Sơn, từ lâu vốn xem cây cói là chủ lực trong phát triển kinh tế. Tại các xã Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thanh, Nga Thủy, người dân địa phương sống chủ yếu bằng nghề trồng cói. Những cây cói trưởng thành, mỗi năm người dân có thể thu hoạch được hai vụ là tháng 6 và tháng 10.
Cây cói sau khi thu hoạch được chẻ ra phơi khô, sau đó mang đi bán cho các tiểu thương, doanh nghiệp, hợp tác xã để làm nguyên liệu sản xuất ra nhiều sản phẩm phong phú.
Để gia tăng giá trị cây cói, các công ty, hợp tác xã chế biến xuất khẩu đã mạnh dạn sáng tạo ra hàng nghìn sản phẩm độc đáo từ cói như chổi, túi xách, thùng đụng đồ, thúng… và xuất bán sang thị trường nước ngoài.
Những người nông dân chân lấm tay bùn trở thành nghệ nhân chế tác mỹ nghệ. Hiện những thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ rất ưa chuộng sản phẩm từ cây cói của Việt Nam.
Ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, cho biết đơn vị được thành lập và gắn bó với nghề sản xuất sản phẩm từ cây cói đã lâu. Sau khi thu mua cây cói từ người dân huyện Nga Sơn, công ty đưa vào sản xuất ra những sản phẩm như túi xách, chổi, thúng… để bán ra thị trường.
Hiện công ty chú trọng phát triển những sản phẩm gia dụng, đồ dùng gia đình, nhà hàng, khách sạn và đặt ra mục tiêu mở rộng ra thị trường chính là Mỹ cùng nhiều tập đoàn lớn; thậm chí, xâm nhập các kênh bán lẻ Amazon.
Theo Bà Quách Thị Khuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nga Sơn, sản phẩm từ cói gắn liền với phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp của huyện. Nhờ trồng cói, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, ổn định đời sống.
Thời gian tới, để đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện giữ ổn định diện tích cây trồng này và cải tạo, thâm canh, tăng năng suất chất lượng. Qua đó, giúp nâng cao năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Tại huyện Quảng Xương, thời điểm này, hàng nghìn hộ dân trồng cói đang tất bật thu hoạch vụ Chiêm. Hiện Quảng Xương có 550 ha diện tích đất trồng cói, tập trung ở các xã gồm Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Văn.
Theo người dân nơi đây, do áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh cùng với thời tiết thuận lợi nên cây cói phát triển tốt. Sản lượng cói toàn huyện đạt gần 7.000 tấn/năm, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân địa phương.
Theo bà Phạm Hồng, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, hiện gia đình có 7 sào đất nhiễm mặn nên chỉ trồng được cây cói. Mỗi năm, gia đình thu hoạch được 2 vụ, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Nhờ trồng cói nên gia đình có cuộc sống ổn định hơn.
Ông Trần Văn Chung, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Xương cho hay xác định đây là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập chính nên nhiều hộ dân đã đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
Đến nay, toàn huyện Quảng Xương có 2 sở sở, hợp tác xã thu mua cói cho dân; cùng đó là 450 máy dệt chiếu, sản lượng sản xuất hàng năm đạt khoảng 3 triệu đôi chiếu các loại.
Hiện nghề dệt chiếu cói Quảng Xương không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 5.000 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-7 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm chiếu cói được bán ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Thời gian tới, các huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa vẫn sẽ tiếp tục duy trì, phát triển làng nghề dệt chiếu và sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ nguyên liệu cói.
Đồng thời, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm từ cây cói; góp phần tạo thêm việc làm cho lao động, xóa đói giảm nghèo./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan