Tây Ninh: Phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao

24/03/2018 11:07

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, để thúc đẩy các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, địa phương này sẽ lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới cho thu nhập cao. (Ảnh: K.V)

Trong đó, tỉnh sẽ bố trí vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hằng năm cho các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách để thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Nhiều hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phát huy hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao, đó là Hợp tác xã Rau an toàn Long Mỹ, huyện Hòa Thành. Hợp tác xã này thực hiện 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới với diện tích 600m2 và hệ thống vườn ươm cây giống với diện tích nhà lưới 500m2. Hai dự án này có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí 30%, còn lại là nguồn vốn đối ứng của Hợp tác xã.

Hay như Hợp tác xã Dịch vụ thuỷ lợi sản xuất rau an toàn Lộc Khê, huyện Trảng Bàng có 43 thành viên với tổng diện tích sản xuất 10 ha. Từ năm 2015, Hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các loại rau như mướp đắng, bầu, bí đao, đậu bắp, đậu đũa, mướp... với diện tích khoảng 2,5 ha. Hiện Hợp tác xã đã ký hợp đồng cung cấp rau cho một doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh để đưa vào siêu thị với số lượng bình quân khoảng 1,2 tấn rau các loại/ngày.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh sẽ lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ các hợp tác xã, trong đó bố trí vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hằng năm hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh thực hiện chính sách về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học và công nghệ mới; hướng dẫn hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp đăng ký, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá cho nông sản.

Được biết, từ đầu năm 2017, tỉnh Tây Ninh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm thực hiện phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hội nhập thị trường quốc tế. Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết lý do được chọn thí điểm là do Tây Ninh có nhiều điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, như quỹ đất phát triển nông nghiệp chiếm hơn 85% diện tích đất tự nhiên (tương đương 370 nghìn ha); địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi để cơ giới hóa theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đất đai phù hợp nhiều loại nông sản nhiệt đới có giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường. Về thủy lợi, Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng đáp ứng đủ yêu cầu cho tưới tiêu trong nông nghiệp.

Hiện nay, tỉnh Tây Ninh cũng đang tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2021 cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân./.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Viết bình luận mới