Sụt giảm lợi nhuận đang là vấn đề của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón

23/07/2018 07:28

Trước những nghi ngại của các cổ đông về lợi nhuận của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) những năm gần đây bị sụt giảm, trả lời phỏng vấn của phóng viên, Chủ tịch PVFCCo Lê Cự Tân đã lý giải về vấn đề này.

Ông Lê Cự Tân trả lời PV

Ông Lê Cự Tân cho biết, lợi nhuận của PVFCCo những năm gần đây bị ảnh hưởng rất lớn của biến động giá khí cũng như tác động từ chính sách mặt hàng phân bón không là đối tượng chịu thuế.

Cụ thể, từ năm 2014, giá khí cho sản xuất đạm Phú Mỹ được căn cứ trên 46% giá dầu FO bình quân tháng tại thị trường Singapore và chi phí vận chuyển khí (tariff).

Theo đó, chi phí nguyên liệu đầu vào là khí cho sản xuất Đạm Phú Mỹ năm 2014 là 3.001 tỷ đồng, năm 2015 là 1.848 tỷ đồng, năm 2016 là 1.657 tỷ đồng và năm 2017 là 2.082 tỷ đồng.

Về giá bán, Đạm Phú Mỹ là mặt hàng phải kê khai giá theo quy định của Bộ Tài chính và theo công thức giá quy định, trong đó có căn cứ theo giá thị trường quốc tế và trong nước.

Giá bán Đạm Phú Mỹ năm 2014 bình quân là 7.398.318 đồng/tấn, năm 2015 là 7.306.854 đồng/tấn (giảm so với năm 2014 là 91.465 đồng/tấn), năm 2016 là 6.040.021 đồng/tấn (giảm so với năm 2015 là 1.266.833 đồng/tấn), năm 2017 là 6.339.149 đồng/tấn (tăng so với năm 2016 là 229.128 đồng/tấn).

So sánh chi phí khí phải trả của năm 2016 thấp hơn năm 2015 là 191 tỷ đồng, tuy nhiên do giá bán năm 2016 giảm sâu nên doanh thu Đạm Phú Mỹ năm 2016 bị giảm so với 2015 là 1.042 tỷ đồng.

Năm 2017 giá khí phải trả cho sản xuất Đạm Phú Mỹ tăng 425 tỷ đồng so với năm 2016, nhưng sản lượng thấp hơn năm 2016 do Nhà máy dừng bảo dưỡng định kỳ hơn 1 tháng nên dù giá tăng nhưng doanh thu Đạm Phú Mỹ chỉ tăng 238 tỷ đồng.

Thêm vào đó, trên bình diện thị trường phân bón thế giới và trong nước, giá dầu, giá khí và giá phân bón không phải lúc nào cũng diễn biến cùng nhịp, thuận chiều với nhau mà có độ trễ hoặc thậm chí ngược chiều nhau.

Giá khí do PVFCCo phải trả được căn cứ theo giá bình quân của tháng, tức là giá dầu tăng thì ngay lập tức giá khí nguyên liệu để sản xuất đạm tăng theo, trong khi giá phân bón không tăng ngay theo giá dầu, giá khí mà tùy thuộc vào tình hình thị trường, mùa vụ…

Đặc biệt, từ khi Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, có hiệu lực từ năm 2015 đến nay, phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT nên toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ…

Vì vậy, chi phí sản xuất phân bón của PVFCCo bị đội lên rất nhiều qua các năm khiến cho lợi nhuận bị giảm sút. Cụ thể, chi phí bị đội lên năm 2015 là 290 tỷ đồng, năm 2016 là 258 tỷ đồng và năm 2017 là 371 tỷ đồng.

Ông Lê Cự Tân khẳng định, vấn đề chi phí tăng dẫn tới lợi nhuận sản xuất phân bón bị giảm sút nghiêm trọng không chỉ là vấn đề của riêng PVFCCo mà của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón khác của Việt Nam như đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ cũng như các doanh nghiệp FDI có nhà máy sản xuất phân bón đặt tại Việt Nam như Baconco. Thực tế là Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị gửi các bộ, ngành liên quan về khó khăn này.

Trước những nghi ngại của cổ đông về sự thiếu minh bạch trong chính sách phát hành cổ phiếu ưu đãi (ESOP) của PVFCCo cho cán bộ công nhân viên, nhất là khi cổ phiếu ESOP chỉ là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu so với giá trị giao dịch thực, Chủ tịch PVFCCo Lê Cự Tân cho biết, điều kiện ESOP của cổ phiếu của PVFCCo là hạn chế giao dịch 12 tháng, một thời hạn rất phổ biến ở các công ty niêm yết khi phát hành ESOP ở Việt Nam, hơn nữa số cổ phiếu được mua của mỗi cán bộ và lãnh đạo PVFCCo không nhiều.

Tổng số cổ phiếu được phát hành là 11,4 triệu cổ phần, tương đương 3% vốn điều lệ và chỉ có 1 đợt duy nhất trong 10 năm hoạt động. Trong đó, số cổ phiếu cho 15 người trong Ban lãnh đạo PVFCCo là 920 nghìn cổ phiếu, chiếm 8% tổng số ESOP, bình quân mỗi người khoảng 60.000 cổ phiếu.

Sau khi hết thời hạn hạn chế, một số cổ đông nội bộ khi bán cổ phiếu ESOP đã tuân thủ quy định, thông báo và báo cáo giao dịch đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tài chính hợp pháp và chính đáng của mỗi cá nhân.

Sản xuất phân bón NPK Phú Mỹ tại Nhà máy công nghệ hóa học của PVFCCo

Cổ phiếu dù là ESOP cũng là một khoản đầu tư và người mua cũng gánh chịu rủi ro về khoản đầu tư này. Giá mua ESOP của PVFCCo là 10.000 đồng và giá thị trường tại thời điểm hết thời hạn hạn chế giao dịch thực tế khoảng 22.000 đồng/cổ phiếu.

So sánh với ESOP của các doanh nghiệp khác thì mức ưu đãi giá và thời gian hạn chế giao dịch 12 tháng của chương trình ESOP của PVFCCo là phù hợp và thấp hơn so với hầu hết các doanh nghiệp khác.

Mặt khác, trong cùng thời gian, có người bán và cũng có người mua thêm, trong đó lượng mua thêm là 94.000 cổ phiếu. Thêm vào đó, dù có bán cổ phiếu do điều kiện tài chính cá nhân, nhưng mọi thành viên này đều đang làm việc tại PVFCCo (trừ 1 thành viên nghỉ hưu theo chế độ).

Ông Lê Cự Tân cho biết thêm, phải nói rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn không chỉ do biến động giá khí mà còn là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp khi thị trường phân bón cung đã vượt cầu.

Thực tế trước đây Việt Nam chỉ có Nhà máy Đạm Hà Bắc khoảng 160.000 tấn/năm và Đạm Phú Mỹ 800.000 tấn/năm. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây, Việt Nam có thêm nhiều nhà máy mới đưa vào hoạt động nên năng lực sản xuất phân đạm lên tới 2,6 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 2 triệu tấn/năm.

Cùng đó, việc Việt Nam thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu khi gia nhập các Hiệp định thương mại, thuế nhập khẩu phân đạm của các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia giúp nhanh chóng, thuận lợi với chi phí cước tàu dao động khoảng 15 - 20 USD/tấn và trong vòng 1 tuần là hàng đã về đến cảng. Vì vậy, áp lực cạnh tranh trên thị trường phân bón ngày càng khốc liệt.

Trước tình hình đó, PVFCCo đã tập trung đầu tư cho công tác marketing để duy trì thương hiệu, thị phần của Đạm Phú Mỹ. Nhờ đầu tư cho marketing một cách hợp lý và hiệu quả nên thương hiệu đạm Phú Mỹ vẫn là thương hiệu số 1 tại Việt Nam và giá bán của đạm Phú Mỹ cao hơn các sản phẩm cùng loại.

Mặt khác, PVFCCo cũng xây dựng bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ bao gồm: Kali Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ, sản phẩm hóa chất và hàng năm các sản phẩm này đã chia sẻ chi phí quản lý chung cho sản phẩm đạm Phú Mỹ và cũng góp phần tích cực vào doanh thu, lợi nhuận chung của PVFCCo.

Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận trong hệ thống PVFCCo từ các sản phẩm phân bón và hóa chất khác ngoài đạm Phú Mỹ giai đoạn 2014 – 2017 lần lượt đạt 3.312 tỷ đồng, 3.661 tỷ đồng, 2.955 tỷ đồng và 2.960 tỷ đồng; lợi nhuận lần lượt đạt 274 tỷ đồng, 172 tỷ đồng, 409 tỷ đồng và 313 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, PVFCCo cũng tối ưu các loại chi phí sản xuất, quản lý, bán hàng theo hướng hiệu quả, dù sản lượng kinh doanh tăng, có thêm sản phẩm mới, nhưng tổng chi phí qua các năm của PVFCCo đều có xu hướng giảm.

Ngoài ra, PVFCCo tích cực triển khai dự án mở rộng NH3 – NPK từ năm 2015. Từ quý I/2018, khi đi vào vận hành đã chuẩn bị thị trường từ trước nên cả sản phẩm NH3 và NPK Phú Mỹ do nhà máy sản xuất đều tiêu thụ rất tốt, đóng góp tích cực vào con số lợi nhuận trước thuế là 430 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018.

Nguồn dangcongsan.vn

 
Viết bình luận mới