Sức bật của xuất khẩu nông sản trong những tháng cuối năm

28/10/2023 07:21

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023, xuất khẩu nông sản Việt Nam có thể coi như một điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Chú thích ảnh

Dây chuyền sơ chế, chế biến vải thiều xuất khẩu tại Công ty CP XNK thực phẩm Toàn Cầu. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Nhờ ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển, các doanh nghiệp trong nước đã có nhiều cơ hội để mở rộng và phát triển thị trường, khẳng định vị thế, tiềm năng và sức ảnh hưởng của ngành hàng nông, lâm, thủy sản nói chung và ngành nông sản nói riêng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến từng nhấn mạnh, với đà phục hồi như hiện nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý IV/2023 có thể sẽ được đẩy mạnh tăng trưởng bằng nhiều giải pháp và kiên định mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 54 - 55 tỷ USD trong năm 2023.

Chia sẻ thực tiễn doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Điều hành, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho biết, từ nay tới cuối năm, mỗi tháng, công ty xuất khẩu trên 100 tấn sản phẩm các loại nông sản đông lạnh. Con số này đang tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Để đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu, sau khi nguyên liệu đưa về nhà máy, sẽ được sơ chế ngay, làm sạch, hấp chín tách vỏ, cấp đông ở -18 độ C. Bắt đầu từ tháng này, nhà máy tăng 30% công suất chế biến các sản phẩm đậu tương, nhãn, chanh leo…

"Đây có thể là dấu hiệu tích cực của thị trường đang vào giai đoạn phục hồi sau COVID-19 và mọi người bắt đầu có sự tích lũy trở lại và chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm, nên nhóm sản phẩm rau củ quả, cũng như trái cây chế biến của chúng tôi đều có dấu hiệu tích cực", ông Hưng cho biết thêm.

Tương tự, Công ty cổ phần Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các loại trái cây như dứa gai, dưa bao tử, vải thiều với sản phẩm chủ lực là dứa gai đóng hộp. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang thị trường EU, châu Á và một số nước như Nga, UAE, Anh, Kazakhstan, Uzbekistan... với số lượng lớn. Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, doanh nghiệp đã xây dựng vùng nguyên liệu ở nhiều địa phương như Bỉm Sơn, Hà Trung, Thạch Thành, Yên Định... với số lượng thu mua trên 100.000 tấn dứa nguyên liệu.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công cổ phần Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp trong năm 2023 là xuất khẩu đạt 4 triệu USD. Đến thời điểm hiện nay, giá trị xuất khẩu đã đạt gần 3 triệu USD, số còn lại từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng hoàn thành. Vì vậy, doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cho các đối tác nước ngoài. 

Ngoài ra, doanh nghiệp đang nỗ lực từng bước khắc phục khó khăn, điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để đa dạng hóa các hình thức tiếp cận và mở rộng thị trường, cụ thể như triển khai các chiến lược marketing, đào tạo để nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân và chuẩn bị trí lực, tài lực  để tập trung phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, ông Quỳnh chia sẻ. 

Tại Lâm Đồng, ông Võ Hữu Long, Giám đốc Công ty TNHH Long Thủy cho biết, sau khi Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được thông qua, trái sầu riêng của Việt Nam đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Năm 2023, sản lượng xuất khẩu sầu riêng của doanh nghiệp đã tăng rất mạnh, lên đến hàng trăm nghìn tấn quả tươi. Để có được những lô sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đúng chuẩn, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải chuẩn bị kỹ lưỡng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được tất cả yêu cầu nghiêm ngặt của phía đối tác.    

 

Hiện thời, trong điều kiện kinh tế thế giới có những dấu hiệu sụt giảm, kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất chính của tỉnh Lâm Đồng đang gặp không ít khó khăn về thị trường. Song với nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành nên hoạt động thương mại vẫn diễn ra sôi động, nguồn cung hàng hóa luôn đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu của tỉnh Lâm Đồng có dấu hiệu phục hồi, có 6/7 mặt hàng xuất khẩu tăng về lượng và giá trị; trong đó mặt hàng rau, củ xuất khẩu tăng mạnh với 104,7% về lượng, 43,98% về giá trị. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành và tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Long Thủy đang gấp rút triển khai các giải pháp tăng cường sản xuất, các chiến lược marketing để mở rộng thị trường trong và ngoài nước với các hoạt động xúc tiến thương mại như quảng bá, triển lãm, khuyến mại; đặc biệt là kết nối cung cầu, tìm kiếm thêm các khách hàng tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc được nhiều hơn.  

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, Trung Quốc hiện dẫn đầu về thị phần mua hàng Việt, với mặt hàng rau quả, nếu như thị phần nhập khẩu rau quả Việt của Trung Quốc năm 2022 chỉ chiếm 43% tổng kim ngạch thì sang năm 2023 đã lên mức 65%, vượt xa gấp nhiều lần những nước còn lại trong Top 5 quốc gia xuất khẩu là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan. Đây cũng là con số ấn tượng nhất hàng chục năm qua. Có được kết quả này là nhờ Việt Nam đã ký kết được nhiều Nghị định thư xuất khẩu rau quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng sầu riêng nên sản lượng xuất khẩu mặt hàng này tăng đột biến vài chục lần, trở thành sản phẩm tỷ USD trong năm nay. 

Nhìn lại con số mục tiêu đạt khoảng 54 - 55 tỷ USD xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; trong đó, đặc biệt là nhóm ngành nông sản, có thể tin tưởng rằng, với nỗ lực và sự quyết tâm của các cấp ngành, các địa phương và từng doanh nghiệp, cơ hội vượt mục tiêu đang dễ dàng trong tầm với.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới