Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2024

26/10/2023 09:43

Bước sang năm 2024, Ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 ở mức 6,7% (6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm).

Trước những dữ liệu kinh tế từ đầu năm đến nay thấp hơn kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ mức tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam xuống 5%, từ mức 5,4% trước đó, trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam mới đây. Theo Ngân hàng Standard Chartered, mức điều chỉnh dự báo này đòi hỏi tăng trưởng của quý IV/2023 phải đạt mức 7% và điều này có thể vẫn là một thách thức. Tuy vậy, bước sang năm 2024, Ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 ở mức 6,7% (6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm). 

Chú thích ảnh

Dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Báo cáo của ngân hàng này chỉ ra rằng, dù các chỉ số kinh tế vĩ mô đã được tạm thời cải thiện, thương mại vẫn chưa thấy tín hiệu phục hồi sản xuất rõ ràng. Tuy vậy, các tín hiệu phục hồi trong nước vẫn tiếp tục và có khả năng tăng mạnh hơn nữa nhờ doanh số bán lẻ tăng mạnh. Lĩnh vực xây dựng, lưu trú duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay, trong khi đó sản xuất đã bắt đầu mở rộng. Các yếu tố triển vọng bên ngoài đang được cải thiện với thặng dư tài khoản vãng lai tăng lên 3,5% của GDP vào năm 2024 từ mức 2% vào năm 2023.

Dự báo lạm phát năm 2023 được điều chỉnh tăng lên mức 3,4 % (so với trước đó là 2,8%); trong đó, riêng quý IV/2023 sẽ ở mức 4,3% (so với trước đó là 2,7%) và có khả năng sẽ tăng cao hơn trong năm 2024. Lạm phát có thể dẫn đến khả năng tìm kiếm lợi nhuận và gia tăng rủi ro bất ổn tài chính. Giáo dục, nhà ở, thực phẩm, chi phí vận chuyển là những nhân tố chính dẫn đến lạm phát gần đây.

Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, triển vọng kinh tế trung hạn vẫn đầy hứa hẹn nhờ độ mở và ổn định kinh tế của Việt Nam. Để thu hút FDI, Việt Nam cần khôi phục lại mức tăng trưởng GDP nhanh chóng và phát triển cơ sở hạ tầng.

“Thị trường bất động sản có thể cần hỗ trợ thêm về thanh khoản, vì các biện pháp cho đến nay mới chỉ hỗ trợ giảm áp lực trả nợ ngắn hạn. Lãi suất thấp, các dự án mới được phê duyệt và tâm lý người mua cải thiện có thể hỗ trợ thị trường,” Ông Tim Leelahaphan chia sẻ thêm.

Trước đó, các chuyên gia của Ngân hàng UOB (Singapore) cũng nhận định, mặc dù tăng trưởng trong quý III/2023 của Việt Nam đã vững chắc hơn, nhưng kết quả hạn chế trong 6 tháng đầu năm vẫn ảnh hưởng đáng kể.

Do đó, ngân hàng này đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5% (từ mức 5,2% trước đó), với giả định tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý IV/2023 sẽ tăng thêm 7% so với cùng kỳ (so với dự báo trước đó là 7,6%). Điều này vẫn đòi hỏi các hoạt động kinh tế và đơn đặt hàng phải tăng tốc trong những tháng tới.

Trong báo cáo phân tích vĩ mô gần đây, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital dự báo, GDP Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng dưới 5% trong năm 2023, do nhu cầu của hàng hóa “Made in Vietnam” sụt giảm. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi lên 6,5% trong năm 2024, nhờ phục hồi trong xuất khẩu và sản lượng ngành sản xuất.

Sự lạc quan của VinaCapital về phục hồi tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2024 nhờ sản xuất bắt nguồn từ việc phân tích nguyên nhân gây ra các vấn đề của ngành sản xuất năm 2023. Đó là do các nhà bán lẻ Mỹ và các công ty tiêu dùng khác đã tích lũy quá nhiều hàng hóa vào năm 2022 (hàng tồn kho tăng hơn 20% so với cùng kỳ vào cuối năm 2022). Các công ty ở Mỹ đã phải giải quyết lượng hàng tồn kho này trong suốt năm 2023. Tuy nhiên, rất nhiều dữ liệu cho thấy hiện tượng này sắp kết thúc và các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới