Phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 12 tỷ USD trong năm 2020

12/07/2020 17:44

Đó là mục tiêu đề ra đối với ngành lâm nghiệp tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Tổng cục Lâm nghiệp, diễn ra sáng 10/7, tại Hà Nội.

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Theo ông Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 2,16%. Bên cạnh đó, cả nước đã trồng được 106.300 ha rừng tập trung, đạt 48,3% kế hoạch năm, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ước cả năm đạt khoảng 220.000 ha, đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận đạt 85%.

Trên lĩnh vực bảo vệ rừng, cả nước đã xảy ra 5.801 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 932 vụ (giảm 16%) so với 6 tháng đầu năm 2019. Về xuất khẩu lâm sản, ước đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Điển cho biết, 6 tháng đầu năm, hoạt động đấu tranh, ngăn chặn vi phạm tại các điểm nóng về bảo vệ rừng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặt khác, vẫn còn xảy ra một số vụ cháy rừng, có thiệt hại về rừng.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản trong những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên, hiện nay, về cơ bản, các doanh nghiệp lớn đã ổn định sản xuất trở lại, chỉ còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó khăn.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động, nguồn thu của các Vườn Quốc gia. Đại diện Vườn Quốc gia Cúc Phương, ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến hoạt động du lịch sinh thái, cung cấp dịch vụ của Vườn, nguồn thu của Vườn Quốc gia giảm mạnh so với cùng kỳ. Với tình hình như hiện nay, ngoài phục vụ du khách nước ngoài, ông Nguyễn Văn Chính cho rằng, cần chú ý tới phục vụ du lịch trong nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, muốn tăng trưởng cao hơn, ngành lâm nghiệp cần nhìn thấy rõ dư địa những lĩnh vực còn khai thác được, cùng với đó là các hạn chế yếu kém để xử lý, khắc phục.

Về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy rừng, cần có sự tiếp sức cho các địa phương để thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp cần làm tốt công tác tổng hợp, tham mưu, thông tin và dự báo; không để xảy ra cháy rừng trên diện tích lớn.

Đồng thời, Thứ trưởng thường trực cũng đề ra nhiệm vụ, dứt khoát phải bảo vệ được diện tích rừng đang có hiện nay. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng cần phấn đấu để đạt được mục tiêu về thu dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt, về giá trị xuất khẩu lâm sản, sẽ không dưới 12 tỷ USD trong năm 2020.

Để đạt được điều này, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn đề nghị toàn ngành cần tập trung giải quyết vấn đề về thị trường. Trong đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn trong tranh chấp thương mại, nắm bắt cơ hội để thực hiện các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực./.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Viết bình luận mới