Ninh Thuận đưa ngành du lịch vươn mình trở thành điểm đến lý tưởng

25/01/2021 09:13

Ninh Thuận đặt mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành điểm đến lý tưởng nhất của khu vực và cả nước; đồng thời tiếp tục vươn mình trỗi dậy, sánh ngang với các nước ở Đông Nam Á.

Ninh Thuan dua nganh du lich vuon minh tro thanh diem den ly tuong hinh anh 1
Đồi cát Nam Cương đẹp mơ màng trong chiều hoàng hôn. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Với tầm nhìn chiến lược, tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận đã xác định ngành du lịch là một trong sáu nhóm ngành trụ cột để thu hút đầu tư và đẩy mạnh phát triển.

Những năm qua, quyết sách thực hiện của tỉnh đã và đang tạo hiệu ứng tích cực, từng bước làm rực sáng ngành du lịch của vùng đất đầy tiềm năng.

Trên cơ sở đó, Ninh Thuận đã đặt mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành điểm đến lý tưởng nhất của khu vực và cả nước; đồng thời tiếp tục vươn mình trỗi dậy, sánh ngang với các nước ở Đông Nam Á.

Động lực từ tiềm năng, lợi thế

Không những thuận lợi về địa lý, là cửa ngõ của tam giác phát triển “Ninh Thuận-Bình Thuận-Khánh Hòa,” Ninh Thuận còn nổi tiếng với vùng biển xanh cùng với cát trắng, nắng vàng.

Với bờ biển dài 105km cùng những dãy núi cao đâm ra biển đã tạo cho Ninh Thuận rạng ngời sắc đẹp bởi những vũng, vịnh nổi tiếng như: Vịnh Hy; Ninh Chữ; Bình Tiên; đồi cát Nam Cương; Mũi Dinh; Cà Ná...; trong đó, vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam và là một trong 9 vùng sinh quyển của thế giới.

Ninh Thuận còn là miền đất hội tụ những nét phong tục truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc gắn với những di tích, danh lam thắng cảnh nguyên sơ như hệ thống Tháp Chăm, các làng nghề như gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm thủ công Mỹ Nghiệp…

Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn được biết đến là “thủ phủ” của nghề chăn nuôi dê, cừu và trồng nho, táo cùng với nét ẩm thực và văn hóa bản địa. Đó chính là khác biệt của Ninh Thuận so với các tỉnh, thành khác trong khu vực.

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động và Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai lập Quy hoạch Khu Du lịch quốc gia Ninh Chữ; trong đó xác định Ninh Chữ là trung tâm và bổ sung các Khu Du lịch Bình Tiên-Vĩnh Hy, Cà Ná-Mũi Dinh là các vệ tinh thuộc Khu Du lịch quốc gia để trình Chính phủ phê duyệt.

Song song với đó, Ninh Thuận đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từ nguồn nội lực; đồng thời tiến hành lập quy hoạch du lịch dải ven biển phía Nam và phía Bắc của tỉnh.

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu và thông tin đối ngoại về thu hút phát triển du lịch của tỉnh trở nên sôi động và có hiệu quả, giúp cho hoạt động của ngành Du lịch phát triển khá rõ nét. góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch Ninh Thuận một cách rõ nét.

Ninh Thuận đang tập trung phát triển loại hình du lịch du thuyền cao cấp đầu tiên của Việt Nam hướng đến đối tượng khách du lịch có thu nhập cao; hình thành câu lạc bộ du thuyền, phát triển 100 đến 200 bến du thuyền dọc theo dải ven biển của tỉnh; đồng thời hình thành các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng và thu hút loại hình spa cao cấp có thương hiệu quốc tế, sử dụng nguyên liệu đặc thù của địa phương; phát triển các loại hình dịch vụ trên không và dưới nước; hình thành các tour du lịch sinh thái thân thiện với môi trường; phát triển mạnh loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng…

Tạo kết nối gắn với thu hút đầu tư

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, để ngành Du lịch của tỉnh phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững, những năm gần đây, tỉnh đã tăng cường công tác liên kết, kết nối với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội để quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đồng thời hợp tác phát triển sản phẩm du lịch…, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, tăng cường quản lý điểm đến để đem lại sự hài lòng cho du khách.

Ngành Du lịch ba tỉnh là Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa đã ký kết chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch; đẩy mạnh gắn kết giữa các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ với nhau, gắn đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách, tăng thời gian lưu trú cho du khách, đặc biệt là thị trường khách quốc tế.

Với tầm nhìn và quyết tâm của tỉnh, những năm gần đây, ngành Du lịch Ninh Thuận đã có bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế động lực, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 57 dự án dịch vụ du lịch được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp Quyết định chủ trương với tổng vốn đăng ký gần 29.700 tỷ đồng; trong đó có 19 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 3.000 tỷ đồng; 15 dự án đang triển khai thi công với tổng vốn đăng ký hơn 13.700 tỷ đồng; 24 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai với tổng vốn đăng ký gần 10.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 5 dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng ý về chủ trương địa điểm đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 2.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết dọc cung đường ven biển Bình Tiên-Cà Ná của tỉnh, hiện rất nhiều nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm và năng lực quan tâm nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch các phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết đô thị du lịch; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp như: Công ty Cổ phần T&T; Công ty Mũi Dinh Ecopark; Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland; Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC...; trong đó một số nhà đầu tư đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, cho phép nghiên cứu khảo sát đề xuất quy hoạch.

Gần đây nhất, các dự án quy hoạch kiến trúc tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort kết nối công viên biển Bình Sơn, Khu Du lịch Vịnh thuyền buồm Ninh Chữ Sailing Bay cùng Khu Du lịch Tổng hợp ECOPARK Mũi Dinh đã và đang nhanh chóng triển khai thi công... hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, sự phát triển của ngành Du lịch Ninh Thuận vẫn chưa tương xứng tiềm năng và vị thế vốn có của tỉnh, một phần vì chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chưa đa dạng, chưa mang tính đặc thù. Điều đó đặt ra những thách thức không hề nhỏ cho ngành Du lịch Ninh Thuận.

Ninh Thuan dua nganh du lich vuon minh tro thanh diem den ly tuong hinh anh 2
Du khách chọn một góc máy đẹp tại một vườn nho ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa theo kịp yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Điều đó được thể hiện rõ qua việc số cơ sở kinh doanh có các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao còn ít, loại hình dịch vụ du lịch mới chậm được đầu tư…; đồng thời khá nhiều dự án du lịch đã đầu tư nhưng chậm đưa vào khai thác, làm lãng phí tài nguyên du lịch, làm mất nguồn thu từ du lịch cho ngân sách tỉnh.

Ngoài ra, các điểm dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao; trung tâm mua sắm tập trung; hoạt động công viên giải trí công cộng còn thiếu; các dịch vụ đi kèm chưa đồng bộ; nguồn nhân lực du lịch ở tỉnh Ninh Thuận còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Hướng đến phát triển hiệu quả và bền vững

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho rằng để du lịch Ninh Thuận phát triển toàn diện, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nhằm kết nối 3 trục không gian du lịch của tỉnh: Trục không gian Đông Bắc tỉnh-Trục không gian trung tâm kết nối khu vực phía Nam và trục không gian phía Tây-Tây Bắc của tỉnh để tạo ra chuỗi liên kết các sản phẩm du lịch đặc trưng từng địa phương trong tỉnh có sức thu hút và hấp dẫn cao.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm, có đẳng cấp cao trên địa bàn tỉnh như: Các dự án đầu tư du lịch dải ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná; các điểm du lịch tại Vườn Quốc gia Phước Bình và Núi Chúa; Khu Du lịch đồi cát Mũi Dinh; Khu Du lịch sinh thái bảo tồn Rùa biển Thái An; Khu du lịch sinh thái cao cấp, bến du thuyền vịnh Vĩnh Hy; Khu du lịch sinh thái Thác Chapơr…

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch sớm đi vào hoạt động; đẩy mạnh và đổi mới công tác quảng bá du lịch một cách chuyên nghiệp; đồng thời khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tạo sản phẩm du lịch mang tính đặc thù riêng của tỉnh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục tăng cường chương trình kích cầu du lịch, khuyến khích người Việt Nam đi du lịch trong nước thông qua các hoạt động quảng bá, thúc đẩy phát triển thị trường khách du lịch nội địa và khách quốc tế đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong năm 2021.

Ông Nguyễn Long Biên nhấn mạnh, với tiềm năng, lợi thế cùng với ý chí và sự quyết tâm trong thực hiện, Ủy ban Nhân dân tỉnh tin tưởng rằng giai đoạn 2021-2025, du lịch Ninh Thuận sẽ khởi sắc và tiếp tục đà phát triển toàn diện, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới