Nhu cầu vốn thấp, tăng trưởng tín dụng mới đạt 4,81%

23/09/2020 15:11

Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch COVID-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ 2019.

Nhu cau von thap, tang truong tin dung moi dat 4,81% hinh anh 1
Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 3 sáng nay (22/9), ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch COVID-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ 2019.

Cụ thể, tính đến ngày 16/9, tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 4,81% so với cuối năm 2019, chỉ tương đương hơn 1/2 mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước (8,64%). Bên cạnh đó, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 7,58% so với cuối năm 2019.

Dù vậy, ông Nguyễn Tuấn Anh vẫn lạc quan phân tích, 2 tháng đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm (cụ thể cuối tháng Một tăng 0,01%, cuối tháng Hai tăng 0,2%), tuy nhiên nhờ việc triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ khách hàng, từ tháng Ba đã xuất hiện phục hồi khi cầu tín dụng bắt đầu tăng. Đến cuối tháng Tám tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16/9 tín dụng đã tăng 4,81%.

Tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 3,29%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3%...

Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... vẫn được các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt; nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm được đáp ứng kịp thời. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi đối với với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đến 31/8, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 221.515 tỷ đồng, tăng 7,11% so với 31/12/2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.

Cũng theo ông Tuấn Anh, các tổ chức tín dụng cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đến ngày 14/9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310.000 khách hàng./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới