Ngành Ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

16/06/2018 10:31

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh, tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có Việt Nam. Mặc dù không nằm trong lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, nhưng làn sóng công nghệ mới này cũng đang tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo khoa học với chủ đề “Ngành Ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 15/6 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, đánh giá được tầm quan trọng và sự tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0, NHNN đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động của ngành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Theo đó, hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), an toàn, bảo mật. Đồng thời tăng cường phát triển hạ tầng CNTT. Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chính phủ điện tử. Cùng với đó, tích cực hỗ trợ sự phát triển của các công ty Fintech. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành Ngân hàng. 

Phó Thống đốc cũng chia sẻ những công việc ngành Ngân hàng đã làm, một số thành tựu đã đạt được thời gian qua nhằm chủ động thích ứng và phát triển bền vững trước bối cảnh CMCN 4.0.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cũng đã khẳng định: Ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành chủ động và đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý và kinh doanh. Dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước và sự năng động của các ngân hàng thương mại, những công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng đồng bộ, hiệu quả trong toàn bộ hệ thống. Sự chủ động này đã tạo ra một nền tảng vững chắc và những lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cũng thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù đã chủ động triển khai nhiều hoạt động khác nhau, nhưng để tiếp cận thành công và tận dụng được những lợi thế mà CMCN 4.0 mang lại thì cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu về những tác động của CMCN 4.0 đến ngành Ngân hàng; đặc biệt, cần phải chỉ ra được những điều kiện triển khai và thích ứng với CMCN 4.0 của ngành. 

Tại Hội thảo này, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng đã  tập trung thảo luận, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc những tác động của cuộc CMCN 4.0 tới ngành Ngân hàng; trong đó nhận định và chỉ rõ những cơ hội, thách thức mà hệ thống ngân hàng phải đối mặt.

Bên cạnh đó, đi sâu phân tích các xu hướng công nghệ tác động tới việc phát triển các dịch vụ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; Phân tích, làm rõ những điều kiện mà ngành Ngân hàng cần hướng tới triển khai để thích ứng với cuộc CMCN 4.0; trong đó bao gồm những điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ, điều kiện về con người…/.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Viết bình luận mới