Ngăn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động

22/10/2021 17:17

Dù đã được khống chế, kiểm soát, song những diễn biến phức tạp mà biến thể Delta - biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động nghiêm trọng đến việc đón đà phục hồi, tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh đó, ngăn chặn sự đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số bộ phận, lĩnh vực, địa bàn đang là đòi hỏi cấp bách ở thời điểm “hậu” làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19. 

Chú thích ảnh

May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Những tác động nặng nề 

Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp. Trong 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt hơn 8,5 vạn, giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, còn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là trên 9 vạn, tăng 15,3%. Bình quân một tháng có 1 vạn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường.

Dịch bệnh và việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của biến chủng Delta cũng khiến lực lượng lao động trong độ tuổi có việc làm của cả nước còn 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù đại dịch tác động nặng nề, song theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với nhiều doanh nghiệp trong quý III/2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, xu hướng này sẽ ổn định và tốt lên so với quý II/2021. Tín hiệu từ công tác kiểm soát dịch COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đang mong muốn bước vào quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, đúng vào thời điểm này, nhiều doanh nghiệp lại đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn, đe dọa tới kế hoạch đón đà sản xuất kinh doanh trong thời gian tới của doanh nghiệp.

Tại Tọa đàm “Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới” do Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, với nhiều tín liệu tích cực về việc thành phố nới lỏng dần biện pháp giãn cách xã hội và xây dựng lộ trình cho phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ngành gỗ đã chuẩn bị các điều kiện để có thể khôi phục sản xuất nhanh nhất. Tuy nhiên, việc trở lại khôi phục sản xuất, kinh doanh cũng đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, vấn đề lớn hiện nay với nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ chính là thiếu hụt nguồn lao động.

Việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” thời gian qua chỉ cho phép duy trì từ 30 - 50% số lượng lao động. Do đó, những lao động không tham gia sản xuất “3 tại chỗ” đã nghỉ việc hoặc trở về quê. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn đơn hàng nhưng để phục hồi lại quy mô sản xuất thì thiếu hụt hơn 60% lao động so với trước dịch - ông Nguyễn Chánh Phương cho hay.

Mới đây, khi Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trực tiếp tới Khu Công nghiệp Quang Minh thăm hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty cổ phần Eurowindow, Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu và Công ty cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long. Các doanh nghiệp này cũng cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn cung nguyên vật liệu nhập khẩu bị đứt gãy khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao, thiếu hụt lao động.

 Mất cân đối cục bộ cung cầu lao động 

Nhận định về sự thiếu hụt lao động “hậu” làn sóng thứ tư của đại dịch, báo cáo mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Từ tháng 7 đến tháng 9, có khoảng 1,3 triệu lao động dịch chuyển. Trong đó, khoảng 32,4 vạn người trở về từ Hà Nội, hơn 29 vạn người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và 45 vạn người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Các tỉnh lao động trở về là An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang...

Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là những tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, nơi đã và đang bị tác động rất lớn bởi đại dịch. Các doanh nghiệp ở các địa bàn trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương có nhu cầu tuyển lao động lớn. Trong khi đó, một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thì số lao động không có việc làm nhiều, khả năng tìm việc làm tại tỉnh gặp khó khăn khi cầu lao động không lớn. 

Nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực và là vấn đề lớn đặt ra cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất. Khảo sát cho thấy, có tới 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Trong đó, tập trung cao nhất là ở Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh. Các ngành thiếu hụt lao động nghiêm trọng là điện tử, da giày, dệt may và sản xuất thiết bị điện…

Nhận định “nếu để đứt gãy thị trường lao động thì sẽ tốn kém rất nhiều, thời gian khôi phục lại trạng thái bình thường cũng sẽ rất dài”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Phục hồi thị trường lao động thời gian tới phải đặt trong mục tiêu chung về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đồng thời, bảo đảm từng bước phát triển thị trường lao động, gắn chặt việc phục hồi thị trường lao động với các yêu cầu về phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế chung của cả nước và từng địa phương, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động. 

“Các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động sẽ được thiết kế theo hướng bảo đảm vừa tôn trọng các nguyên tắc vận hành của thị trường, vừa có những tác động để thúc đẩy khắc phục nhanh những bất cập, nhất là những yếu tố làm mất cân đối cung - cầu lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động 

Theo Bộ Lao động - Thương  binh và Xã hội, trước những tác động của đại dịch, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, đặc biệt là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết 116/NQ-CP và mới đây là Nghị quyết 126/NQ-CP. Qua đó, đã góp phần tích cực, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm và thị trường lao động. Tuy nhiên, trước yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh tế, vấn đề phục hồi và phát triển thị trường lao động trong thời gian tới đòi hỏi các địa phương phải tập trung cao độ để đề ra và thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi thị trường lao động.

Để thực hiện mục tiêu này, từ đó góp phần quan trọng vào đón đà phát triển kinh tế, thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện nhiều giải pháp. Một trong số đó là Bộ chủ động làm việc, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Từ đó có những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp cho người dân.

Đáng chú ý là việc Bộ chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương; tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc bằng phương tiện vận tải công cộng hoặc phương tiện cá nhân, ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng COVID-19. Đồng thời, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất an toàn, phục hồi sản xuất kinh doanh, cũng như có chính sách thu hút, hỗ trợ người lao động tham gia thị trường lao động, đặc biệt là vào làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bên cạnh đó, hỗ trợ giữ chân và thu hút người lao động quay trở lại thị trường lao động như đào tạo, nâng cao kỹ năng lao động; thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm và các chi phí đi lại, y tế, chỗ ở, sinh hoạt phí; tập trung hỗ trợ các chi phí như thuê nhà trọ, chi phí đi lại, sinh hoạt phí cơ bản cho người lao động vào làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi sản xuất kinh doanh thông qua các hoạt động như hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện lao động, pháp luật về lao động việc làm trong trạng thái “bình thường mới”; tiếp tục hỗ trợ vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động...

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng cho biết, Tổng Liên đoàn đã có công văn yêu cầu các cấp công đoàn cần chỉ đạo công đoàn cơ sở bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như trả lương tạm nghỉ việc, hỗ trợ tài chính để người lao động tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả, viết thư hoặc nhắn tin mời người lao động đã về quê sớm trở lại doanh nghiệp, bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới