Năm 2018 hứa hẹn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản sẽ có những chuyển biến mới

18/02/2018 14:53

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khẳng định, trong năm 2017, công tác quản lý an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp đã được triển khai tích cực, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi các hành vi tiêu cực. Bước sang năm 2018, với những giải pháp quyết liệt, hứa hẹn công tác đảm bảo an toàn nông sản sẽ đạt những chuyển biến mới.

Bước sang năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo các biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm nhóm sản phẩm tươi sống (Ảnh minh họa)

Cụ thể, trong năm 2017, ngành nông nghiệp đã thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 2.506 cơ sở, phát hiện 373 cơ sở vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) và xử phạt 107 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 1,9 tỷ đồng. Trong năm, ngành đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, TP. Hồ Chí Minh (xử phạt hành chính 320 triệu đồng và tiêu hủy hơn 3.000 con heo).

Kết quả giám sát năm 2017 cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm chủ lực. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33% (17.303/17.778 cơ sở, tăng so với năm 2016 với 91%). Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng lên 93,16% (6.294/6.756 cơ sở), tăng so với năm 2016 là 89,9%.

Qua các đợt kiểm tra, không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ (năm 2016 vẫn phát hiện 0,44% mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol). Tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0.63% (21/3.341 mẫu, giảm so với năm 2016 là 1,76%). Tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 0,89% (27/3.002 mẫu, giảm  so với năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là 0.6% (4/667 mẫu, giảm so với năm 2016 là 2,05%).

Đặc biệt, trong kiểm soát tạp chất trong thủy sản, các địa phương đã tổ chức ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm trên địa bàn. Đồng thời, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức thanh, kiểm tra 293 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3,9 tỷ đồng đối với 100 cơ sở bơm chích tạp chất, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Trong đó, đã có trường hợp xem xét xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm tạp chất trên địa bàn.

Song song với thực hiện các nhiệm vụ trên, Bộ đã tăng cường chỉ đạo các địa phương tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.

Đến nay, hầu hết các tỉnh đã triển khai vận động, hỗ trợ sản xuất nông sản, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay đã có 1.406 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng hơn 18.200 ha (trong đó diện tích rau hơn 3.443 ha, quả hơn 11.813 ha, chè hơn 1.864 ha, cà phê 100 ha và lúa hơn 979,42 ha). Khoảng 500 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng 2.618 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; trên 26.000 hộ chăn nuôi và trên 300 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP.

Đồng thời, triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn”, trên phạm vi toàn quốc đã có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó 382 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Nhìn chung, trong năm 2017, công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về an toàn toàn thực phẩm đã được triển khai tích cực và phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề bức xúc kéo dài nhiều năm như: sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, thực trạng đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản từng bước được cải thiện trên tất cả các nhóm ngành hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Điều kiện VSATTP tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được cải thiện; ô nhiễm hóa chất trong một số sản phẩm thực phẩm tươi sống có chiều hướng giảm; tỷ lệ cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tăng nhanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, công tác triển khai ATVSTP vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Trong đó, hệ thống chính sách pháp luật tuy đã được cơ bản hoàn thiện nhưng vẫn còn khó khăn vướng mắc trong triển khai thực tiễn một số văn bản như: Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ,….Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn chưa đầy đủ do chưa có lộ trình phù hợp và nguồn lực xây dựng còn hạn chế.

Cùng với đó, lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra về ATTP tại các địa phương vẫn còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn trong thực thi các nhiệm vụ theo phân công, phân cấp, đặc biệt trong tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như: lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không đảm bảo vệ sinh, ATTP...còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý vi phạm thấp; vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Đặc biệt nhiều địa phương chưa chuyển hướng mạnh sang thanh tra đột xuất. Cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích, động viên người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng và thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, phát triển các mô hình chuỗi chất lượng cao, đảm bảo ATTP.

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2018, nhằm thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng VSATTP, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực thực thi pháp luật của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các lực lượng sản xuất kinh doanh và nguồn lực xã hội, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý ATTP nông sản. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo an toàn thực phẩm nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; trọng tâm là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản.

Chỉ đạo tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến, kinh doanh ứng dụng công nghệ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Chỉ đạo tổ chức nguồn lực thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực địa phương theo hướng hữu cơ, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,...đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản hài hòa với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và đảm bảo an toàn cho sản xuất trong nước, cân bằng thương mại. Chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất, tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất ban đầu; giết mổ gia súc, gia cầm; sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ.

Ngoài ra, tổ chức triển khai thỏa thuận phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế trong quản lý, kiểm soát ngăn chặn lạm dụng hóa chất công nghiệp, kháng sinh y tế trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Bộ Công an phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu; các cơ sở tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục; các tổ chức, cá nhân đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần vào gia súc trước khi giết mổ.

Triển khai các đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt gắn với phát triển hợp tác xã; hỗ trợ cơ sở chế biến, tiêu thụ ứng dụng công nghệ và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến. Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và mở rộng chương trình sang một số đô thị lớn khác..../.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Viết bình luận mới