Mục tiêu thực hiện CPI 4% trong năm 2018 là khả thi

10/01/2018 09:29

Sáng 9/1 tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2017 và dự báo năm 2018.

Hình ảnh tại hội thảo 
 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Minh (Học viện Tài chính) cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực và rõ nét, GDP tăng 6,81%, 13/13 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016 – đạt dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (khoảng 4%), góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam thì các nhân tố tác động đẩy giá thị trường tăng là giá hàng hóa trên thị trường thế giới có những biến động nhất định đã tác động kéo giá thị trường tăng theo (chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa năm 2017 tăng 2,93%, chỉ số giá hàng nhập khẩu tăng 2,57% so với năm trước).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng nhìn vào sự vận động của giá thị trường năm 2017 vẫn còn những bất cập như công tác dự báo thị trường kém nên chưa chủ động điều hòa tổng cung cầu đối với ngành chăn nuôi dẫn đến giá thịt lợn có thời kỳ giảm sâu, thấp hơn giá thành sản xuất gây thua lỗ cho người chăn nuôi.

Bên cạnh đó, công tác bình ổn giá, kiểm soát giá cả thị trường tại các khu vực xảy ra bão lũ ở một số tỉnh miền Trung chưa đạt hiệu quả nên đã để tình trạng các thương nhân lợi dụng thiên tai tăng giá bất hợp lý phổ biến đối với nhiều loại hàng hóa như rau củ, vật liệu xây dựng (gạch, gói, gỗ, tôn…), riêng nhóm lương thực thực phẩm tại các tỉnh này trong tháng 11/2017 chỉ số giá tăng cao hơn nhiều so với các tỉnh khác.

Dự báo về diễn biến giá cả năm năm 2018, nhiều chuyên gia nhận định tuy năm 2018 khó có thể có những cú sốc đẩy mặt bằng giá tăng caio đột biến tạo ra những cơn sốt về giá; nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn các nhân tố tác động gây bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Cục Quản lý giá cho rằng, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng do năng lực sản xuất trong nước gia tăng cùng với việc ký kết các hiệp định tự do thương mại của Chính phủ giúp người dân có nhiều cơ hội được mua hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá nhập khẩu với giá cả cạnh tranh.

Cụ thể, nhóm giá dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục ổn định hoặc giảm. Mặc dù có một số áp lực tăng giá do trọng số các mặt hàng tính lạm phát cơ bản chiếm 60% rổ hàng hoá tính CPI trong năm 2017 và dự kiến năm 2018. Lạm phát cơ bản dự báo vẫn được kiểm soát trong khoảng 1,6-1,8%.

Bên cạnh đó, tỷ giá cả, lãi suất vẫn được điều hành ổn định, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, do thước đo lạm phát được tính theo gốc so sánh CPI bình quân năm nên việc lựa chọn thời điểm và liều lượng điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý phù hợp có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức khoảng 4%.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, thị trường vẫn tiềm ẩn các nhân tố tác động gây bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát nêu trên. Ở trong nước có nhiều áp lực, tiềm ẩn nguy cơ đẩy lạm phát cao như mở rộng tín dụng, tỷ giá, tác động vòng tiếp theo của việc điều chỉnh giá điện, thực hiện lộ trình lương tối thiểu, lộ trình giá thị trường đối với một số giá hàng hóa dịch vụ Nhà nước còn định giá…. Cộng với những hậu quả của thiên tai, dịch bệnh bệnh có thể diễn biến phức tạp, khó lường.

Với kinh nghiệm điều tiết giá năm 2017, để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng năm 2018, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng ngoài việc tiếp tục xử lý nguồn gốc sâu xa của lạm phát là cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh, ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai đồng bộ có hiệu quả một số giải pháp điều tiết lơn ngay từ đầu năm như luôn đảm bảo có đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng (cả tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cho đời sống), trong mọi tình huống, ở mọi vùng miền, mọi thời điểm trong năm.

Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong năm 2018 để thực hiện mục tiêu năm 2018 tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân 4% thì công tác quản lý giá, bình ổn giá cần tiếp tục tăng cường nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, theo dõi chặt chẽ diễn biến của chỉ số CPI để có dự điều chỉnh kịp thời.

Đồng thời, điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra độ trễ của lạm phát trong những năm sau. Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cũng cho rằng, mục tiêu CPI 4% trong năm 2018 là hợp lý và có thể đạt được. Theo ông, điều quan trọng là cần đẩy mạnh sản xuất trong nước, tạo nguồn cung ổn định cho thị trường, kiểm soát quỹ hàng hóa nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt, kiểm soát hàng lậu, hàng giả./.

Nguồn dangcongsan.vn

Viết bình luận mới