Làm thế nào để tăng năng lực cho vận tải thuỷ nội địa?

17/08/2018 12:06

Mặc dù là đất nước có hệ thống sông ngòi dày đặc, tiềm năng của vận tải thuỷ nội địa được đánh giá rất lớn tuy nhiên trong những năm vừa qua việc đầu tư và hiệu quả khai thác vận tải thuỷ chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được sự tăng trưởng và yêu cầu của cả nền kinh tế.

Những năm vừa qua việc đầu tư và hiệu quả khai thác vận tải thuỷ chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được sự tăng tưởng và yêu cầu của cả nền kinh tế.
Ảnh: VGP/Phan Trang

Quy hoạch kiểu “chặt khúc con sông”

Quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sông Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt năm 2000, đã được điều chỉnh, bổ sung một số lần. Quy hoạch hiện hành được thực hiện theo từng luồng tuyến, cảng bến và được phân theo từng khu vực.

Theo đó, cả nước hiện có 45 tuyến đường thuỷ nội địa. Trong đó, miền Bắc có 17 tuyến, miền Trung có 10 tuyến và miền Nam 18 tuyến. Tuyến ven biển hiện có 21 tuyến.

Việc đầu tư nâng cấp thời gian vừa qua tại khu vực phía Bắc đã cải tạo, nâng cấp được 7/17 tuyến (đạt 41%), miền Trung nâng cấp 1/10 tuyến (đạt 13%), miền Nam cải tạo 9/18 tuyến (đạt 67%).

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa (Bộ GTVT) cho biết: Từ năm 2002 đến nay, được sự quan tâm của Chính phủ, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ đã từng bước được chú trọng, tập trung vào một số tuyến chính như đồng bằng sông Cửu Long và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa chưa cao, tổng số km được đầu tư cải tạo đến nay mới đạt gần 50% so với nhu cầu.

“Kinh phí cho đường thuỷ nội địa một năm chỉ bằng 1km đường bộ, thực tế mới đáp ứng nhu cầu sửa chữa, duy trì hệ thống còn không có đầu tư mới”, ông Giang cho hay.

Nói về quy hoạch tổng thể phát triển ngành sông, ông Giang nhận định: “Theo quy hoạch trước đây mấy chục luồng tuyến, mỗi sông chia thành 4-5 đoạn rồi quy hoạch, quy hoạch thế là chặt khúc con sông, dẫn đến lãng phí, dàn trải, cả nước có bao nhiêu sông thì quy hoạch hết. Trong khi đó thực tế có những đoạn sông tàu không đi đến, phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu hàng năm”.

Đồng thời, lãnh đạo ngành đường thuỷ cho rằng, trước đây tư duy là đường thuỷ độc lập, không kết nối với các phương thức khác, nhưng bản chất đường thuỷ đứng một mình thì không thể phát triển được.

250 cầu cần nâng tĩnh không

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Đường thuỷ nội địa cho biết, hiện toàn quốc có khoảng 700 cầu vượt sông trong đó có đến 250 cầu có kích thước khoang thông thuyền không bảo đảm cấp kỹ thuật, hoặc được xây dựng tại các vị trí dòng chảy xiên, xoáy, mố trụ nằm vào vị trí luồng chạy tàu là nguyên nhân chính tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ.

Đồng thời, theo ông Hoàng Hồng Giang, việc tĩnh không cầu thấp cũng ảnh hưởng đến tỉ trọng vận tải của đường thuỷ nội địa. Bởi, xu hướng vận tải của thế giới hiện nay là vận tải theo container kể cả xuất khẩu hay nhập khẩu trong khi đó đường thuỷ nội địa hiện nay chỉ chở bằng xà lan các mặt hàng như sỏi, đá, nông thuỷ sản, cây cối, hàng siêu trường, siêu trọng… nếu không nâng tĩnh không cầu lâu sẽ không thể vận tải được các container, không tăng được thị phần cho vận tải thuỷ.

Một số cầu thấp cần được nâng tĩnh không sớm như: khu vực miền Bắc có cầu Chiêm Hoá (bắc qua sông Gâm, Tuyên Quang), cầu Phong Châu (bắc qua sông Hồng, Phú Thọ), cầu đường sắt Thị Cầu, cầu đường sắt Bắc Giang, cầu đường bộ Đa Phúc, cầu đường sắt Ninh Bình, cầu đường sắt Lai Vu, cầu Quay, cầu Tiên Cựu, cầu Uông Bí. Đặc biệt là cầu Đuống, Cục Đường thuỷ đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ GTVT xin nâng tĩnh không cũng như sửa chữa cây cầu này.

Khu vực miền Trung có: cầu Yên Xuân, cầu Thọ Tường, cầu Chợ Thượng, cầu đường sắt Thạch Hãn, cầu Trường Tiền.

Khu vực miền Nam có: cầu Đồng Nai cũ, cầu Phú Long cũ, cầu Thông Lưu, cầu Rạch Sỏi II, cầu Giá Rai, cầu Phước Long, cầu An Long, cầu Mộc Hoá, cầu Nhị Thiên Đường I và II, cầu đường sắt Bình Lợi.

Mới đây, tại cuộc họp ngày 25/7 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì, Bộ GTVT đã trình lên Chính phủ đề xuất sự cần thiết phải có quy hoạch mới về đường thuỷ nội địa.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa điều chỉnh sẽ được thực hiện theo các tuyến hành lang vận tải thủy gắn với các hành lang vận tải hàng hoá. Mỗi hành lang vận tải thủy gồm các tuyến đường thủy nội địa chính và kết nối; hệ thống cảng, bến thủy nội địa; hệ thống khu neo đậu và các công trình phụ trợ khác.

Tại miền Bắc sẽ quy hoạch 4 hành lang vận tải thủy gồm Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội; Hà Nội – Lào Cai; Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình; Hà Nội – Nam Định.

Sẽ quy hoạch 1 hành lang vận tải thủy phục vụ vận tải hàng hóa các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung từ Thanh Hoá đến Ninh Thuận và các tuyến kết nối chính.

Tại miền Nam, sẽ quy hoạch 4 hành lang vận tải thuỷ gồm TPHCM – Cà Mau; TPHCM – An Giang; hành lang vận tải thuỷ kết nối với Campuchia (tuyến sông Mekong); hành lang vận tải thuỷ theo tuyến ven biển từ TPHCM – Kiên Giang.

Về nguồn lực, Bộ GTVT dự kiến sẽ cần khoảng 25,4 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến 2030. Trong đó, để cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới luồng tuyến đường thủy nội địa khoảng 10,4 nghìn tỷ đồng; cảng đường thủy nội địa khoảng 15 nghìn tỷ đồng.

Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến Việt Trì – Lào Cai; cầu Đuống; tuyến vận tải Sông Gianh; triển khai dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam gồm: Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp cầu Nàng Hai, Măng Thít, Đồng Nai và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Bình Lợi.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch để phê duyệt theo đúng quy định. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo chi tiết về một số “điểm nghẽn” trên các tuyến vận tải thuỷ nội địa, trong đó chỉ rõ hạn chế, tác động và giải pháp khắc phục; lợi ích và nhu cầu đầu tư để từ đó có kế hoạch ưu tiên tháo gỡ.

 

Nguồn: baochinhphu.vn

Viết bình luận mới