Kinh tế 9 tháng: Tạo đà để phục hồi nhanh hơn
30/09/2023 10:05
Kinh tế Việt Nam hiện đã đi được 3/4 quãng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới có triển vọng tiêu cực. Tuy nhiên, với sự đồng hành hiệu quả của Chính phủ, Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp đã được ban hành và triển khai thực hiện đúng thời điểm, kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại đà tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, GDP 9 tháng tăng 4,24%.
Để hiểu rõ hơn những kết quả của kinh tế 9 tháng cũng như những giải pháp để tạo đà cho nền kinh tế phục hồi nhanh hơn trong quý IV/2023, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Xin ông cho biết, một số nét đặc trưng về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023?
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 của nước ta tiếp tục được duy trì với mức tăng 4,24%.
Trong bức tranh tăng trưởng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong xuất siêu 21,68 tỷ USD của cán cân thương mại hàng hoá 9 tháng.
Cùng với đó, thị trường đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm với giá ổn định là nền tảng trong kiểm soát lạm phát bình quân 9 tháng ở mức 3,16%. Dự báo lạm phát bình quân cả năm 2023 trong khoảng 3,5 - 4% thấp hơn mục tiêu đã được Quốc hội thông qua, tạo dư địa cho điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Trong 9 tháng năm 2023, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm. Kết quả thu ngân sách này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là: đảm bảo cân đối thu - chi, giữ vững ổn định ngân sách nhà nước; tạo dựng nền tảng và cơ sở để phát huy tối đa vai trò quan trọng của chính sách tài khoá nghịch chu kỳ nhằm kích cầu tiêu dùng và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô. Kết quả thu ngân sách Nhà nước 9 tháng còn tạo nguồn lực tài chính thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi cho các mục tiêu quốc gia.
Cùng với thực hiện chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và chính sách an sinh xã hội, đặc biệt, với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết của Chính phủ; với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp ban hành và triển khai thực hiện đúng thời điểm; với tinh thần năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó, không khoanh tay đứng nhìn của cộng đồng doanh nghiệp đã đưa kinh tế Việt Nam vượt khó, đang dần lấy lại đà tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.
Kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 phản ánh tăng trưởng được thúc đẩy, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi nhanh hơn trong quý IV/2023 và tăng trưởng cao hơn trong năm tới.
Thưa ông, dự báo kinh tế thế giới năm 2023 suy yếu, biến động khó lường, điều này sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam như thế nào?
Thương mại toàn cầu bắt đầu suy giảm từ quý IV/2022, kéo theo thương mại toàn cầu cả năm 2022 chỉ tăng 2,7%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn do ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine, tình trạng lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt và thị trường tài chính bấp bênh, Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo thương mại toàn cầu năm 2023 tăng 1,7%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với năm trước.
Tổng cầu của các nền kinh tế là đối tác thương mại chính của Việt Nam còn yếu, tác động tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 9 tháng năm 2023 giảm 8,2%. Theo đó, kim ngạch của một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có giá trị thấp trong chi tiêu của hộ gia đình nước ngoài giảm mạnh, ở mức 2 con số: điện thoại các loại và linh kiện giảm 13,4%; giày dép các loại giảm 18,2%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 21,3%; thuỷ sản giảm 21,7%; dệt may giảm 12,1%…
Mỹ, thị trường xuất khẩu, cũng là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 9 tháng năm nay đạt 79,9 tỷ USD, chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế, giảm 16,8%; xuất siêu sang thị trường này cũng giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế có đến trên 93,7% là tư liệu sản xuất, trong 9 tháng giảm 13,9%, phản ánh hoạt động sản xuất suy giảm do tổng cầu thế giới và trong nước chưa phục hồi.
Trước bối cảnh trên, ông nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn như thế nào?
Trong 9 tháng năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, đơn hàng sụt giảm. Xu hướng ngày càng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Đến hết tháng 6/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện; trong đó đứng đầu là các vụ kiện chống bán phá giá, với 128 vụ, chiếm 55,4%.
Cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn. Trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả, việc hoàn thuế và dòng tiền về chậm khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, sản xuất cầm chừng.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ và vốn, doanh nghiệp còn phải xử lý những bất cập trong nội tại của nền kinh tế, đó là thể chế, chính sách còn mâu thuẫn, xu thế cải cách chững lại khiến môi trường kinh doanh xấu đi, điều kiện kinh doanh đang có rào cản khó vượt hơn trước.
Sự chậm trễ, kém hiệu quả trong thực thi các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp do một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn.
Trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đặc biệt, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại.
Vậy Việt Nam cần thực thi những giải pháp nào để nền kinh tế phục hồi nhanh, phát triển bền vững trong thời gian tới, thưa ông?
Trong thời gian tới, kinh tế thế giới biến động khó lường, với triển vọng không mấy tươi sáng. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, dễ bị tổn thương từ các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng còn mong manh.
Để thúc đẩy và hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, tôi cho rằng, trước hết, Chính phủ tiếp tục khẳng định và thực thi quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tạo nền tảng cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững, có đủ năng lực chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai.
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ chính sách tài khoá và tiền tệ; trong đó chính sách tài khoá là trọng tâm, với cơ chế đặc thù về chính sách thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu; hoàn thuế giá trị gia tăng để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp làm giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, không ban hành thêm văn bản gây gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh, giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, giữ vững năng lực cạnh tranh và thị phần hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, mở rộng thị trường trong nước.
Đặc biệt, Chính phủ cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn.
Điện là loại năng lượng quan trọng, không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng. Bộ Công Thương cần dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch, nhanh chóng thực thi các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính phủ nghiên cứu ban hành chế tài, quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện gây thiệt hại sản xuất.
Cùng với giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông có thể đề xuất các giải pháp kích cầu cho tăng trưởng?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và tình hình thực tế trong nước của nền kinh tế, việc khẩn trương thực hiện hiệu quả giải pháp kích cầu sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào tiềm năng và sự phục hồi nhanh của nền kinh tế.
Đối với giải pháp kích cầu tiêu dùng, Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua; giảm giá hàng tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo. Giữ ổn định, đồng thời thực hiện các đợt khuyến mại giảm giá hàng hoá và dịch vụ. Doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh cần giữ chữ tín, không lợi dụng tăng giá vào mùa cao điểm.
Đối với giải pháp kích cầu đầu tư, Chính phủ cần tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, hạ tầng các khu công nghiệp; đồng thời, ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế; các dự án có triển vọng thị trường.
Về giải pháp kích cầu xuất khẩu, Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vực lại ngành sản xuất hướng vào xuất khẩu; đảm bảo giữ được những bạn hàng lớn; đồng thời, tăng cơ hội tiếp thị các sản phẩm mới; đưa sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đến với toàn cầu.
Cùng với những giải pháp về kích cầu tiêu dùng, đầu tư và kích cầu xuất khẩu, theo tôi, giải pháp của các doanh nghiệp rất cần được chú trọng. Theo đó, các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Dự báo các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể thiếu hụt để chủ động tìm kiếm nguồn và đối tác cung ứng kịp thời.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đa dạng và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành để không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin và dự báo chính xác động thái thị trường, nhất là xu hướng, mức độ và lộ trình tăng giá, điều chỉnh lãi suất để chủ động trong xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch tài chính, kinh doanh.
Mặt khác, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp vừa là giải pháp ứng phó bất ổn, vừa là công cụ để cạnh tranh chiến lược, nâng cao năng lực và khả năng thích ứng trước các biến động, bất ổn khó lường của kinh tế thế giới…
Với tinh thần quyết tâm vượt khó, với nỗ lực chung của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam sẽ hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, tạo thế và lực, tạo niềm tin để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của giai đoạn 2021-2025.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Bình Dương vượt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2024
Cơ hội và thách thức cho thủy sản Việt Nam tại thị trường Mỹ
Quảng Ninh thu hút hơn 2 tỷ USD vốn FDI từ đầu năm, hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD
Nhu cầu bất động sản phục vụ thương mại điện tử, logistics tăng cao
Xuất khẩu bưởi Hòa Bình sang thị trường EU
Giá xăng dầu bật tăng, mặt hàng RON95-III lên ngưỡng 20.857 đồng mỗi lít
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ