Khi người mua dễ tính dần bắt đầu… kỹ tính!

24/12/2018 14:04

Sản phẩm cần có quy trình sản xuất an toàn, thân thiện môi trường, chất lượng ngày càng cao, truy xuất được nguồn gốc với bao bì, nhãn mác rõ ràng. Đây là những yêu cầu tiên quyết được những nhà nhập khẩu từ Trung Quốc khẳng định tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT cùng đông đảo DN sản xuất nông sản, thực phẩm Việt Nam mới đây tại TPHCM.

Siết chặt chất lượng nông sản Việt nhập vào Trung Quốc

Thông báo kết quả chuyến thăm và làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Việt Nam tới Cơ quan Hải quan và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay đôi bên đã thống nhất đẩy mạnh quan hệ thương mại nông sản. Theo đó, nông sản Việt sẽ được tạo điều kiện để thâm nhập mạnh hơn vào thị trường Trung Quốc.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc cũng đã đồng ý mở rộng thêm danh mục những mặt hàng trái cây Việt Nam được xuất sang Trung Quốc (bên cạnh 8 loại trái cây hiện nay) theo thứ tự ưu tiên gồm: Sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, na (mãng cầu), măng cụt…

Tương tự, về thủy sản, Trung Quốc sẽ tiếp tục xem xét cho nhập khẩu thêm các sản phẩm từ Việt Nam như: Cá ngừ, cua, nghêu, cá rô phi… đồng thời cũng đã đồng ý chấp nhận 13 DN tại Việt Nam được xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Ngoài ra, để tạo điều kiện giảm chi phí logistics cho phía DN Việt Nam, một số cửa khẩu tại Trung Quốc cũng đã được đồng ý bổ sung chức năng làm thủ tục nhập khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, không còn là người mua “dễ tính” như trước đây, các cơ quan chức năng Trung Quốc thời gian qua đã liên tục đặt ra nhiều tiêu chí liên quan tới chất lượng nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, DN Việt cần lưu ý nâng cao chất lượng sản phẩm, có thông tin truy xuất được nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác rõ ràng và chủ yếu phải đi vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch.

“Phía bạn đã đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra chặt 4 DN Việt đang bán cho thị trường Trung Quốc bột cá có lẫn tạp chất từ lợn và bò. Nếu hiện tượng này còn tái diễn thì Hải quan Trung Quốc sẽ có biện pháp tiếp theo”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu cảnh báo.

Thực tế, yêu cầu nâng tầm chất lượng nông sản, thực phẩm từ Việt Nam đã được Trung Quốc thông báo từ nhiều tháng trước và dự kiến sẽ áp dụng ngay từ tháng 12/2018. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã thương lượng giãn thời điểm áp dụng loạt chính sách “siết chất lượng” này tới khoảng giữa năm 2019 để các nhà sản xuất, chế biến tại Việt Nam có đủ thời gian xây dựng nguồn nguyên liệu và sản phẩm đáp ứng yêu cầu.

Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (sản xuất chuối), Chính phủ đang đóng vai trò lớn trong đàm phán để DN tại Việt Nam có được lộ trình đáp ứng các tiêu chuẩn mới của bạn hàng Trung Quốc.

“Riêng chuyện Trung Quốc chủ trương hạn chế dần xuất khẩu tiểu ngạch để chuyển sang chính ngạch thì Việt Nam cũng đã truyền thông tới công chúng từ nhiều năm qua rồi. Nông dân cần liên kết thành các tổ hợp tác, tổ chức kinh doanh bài bản, có quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chỉn chu, kể cả là với hàng sản xuất cho thị trường trong nước. Cái khó ở đây là thay đổi tư duy kinh doanh manh mún của không ít nông hộ”, nhà xuất khẩu nhiều năm kinh nghiệm liên kết với nông dân chia sẻ băn khoăn.

Những đề nghị hấp dẫn và đầy thách thức

Là người dẫn đầu Tập đoàn Phân phối và tiêu thụ Nông sản tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), Tổng Giám đốcHình Quân cho hay sầu riêng, cá ba sa và gạo là những sản phẩm có nhu cầu lớn tại Trung Quốc. Nhưng thị trường đòi hỏi chất lượng những nông sản này phải ở mức cao, không chỉ ở khâu trồng trọt, mà cả khâu chế biến và gia công cũng phải đạt tới trình độ nhất định. “Với chúng tôi, hiện chất lượng mới là ưu tiên 1, giá cả chỉ là ưu tiên 2”, ông Quân khẳng định.

Không phủ nhận lợi điểm dễ thấy với hàng nông sản, thực phẩm Việt lúc này là giá cả hết sức cạnh tranh và sản phẩm mang tính bản địa đặc thù. Tuy nhiên, nhà nhập khẩu từ Liêu Ninh - người đang nắm giữ và kinh doanh trên hơn 1.000 nhãn hàng -  cho rằng sản phẩm Việt sẽ càng có lợi thế lớn hơn khi đôi bên có thể cắt giảm khâu thương lái trung gian bằng cách để Tập đoàn này trở thành người mua cấp 1, tức trực tiếp nhập hàng từ các DN Việt và phân phối tới tay người tiêu dùng Trung Quốc. Bên cạnh đó, nếu hàng Việt đi vào thị trường Trung Quốc cùng với thương hiệu của Tập đoàn trên bao bì thì sẽ tạo được niềm tin lớn hơn cho người tiêu dùng.

Có vẻ lời đề nghị tuy hấp dẫn nhưng cũng hàm chứa đầy thách thức do không ít người bán Việt Nam khó tránh khỏi bị ám ảnh bởi suy nghĩ “làm gia công” - một chặng đường gian khó mà nhiều DN không hề muốn “nhớ lại” sau khi đã đánh đổi bằng rất nhiều thời gian và nỗ lực để thoát ra. Tuy nhiên, theo phân tích của một số DN xuất khẩu, những người bán là nông hộ, cơ sở sản xuất nhỏ, thậm chí là các hợp tác xã chưa có thương hiệu sẽ không có sự lựa chọn nào khác. Chỉ các DN lớn, đã có tên tuổi trên thị trường trong và ngoài nước mới có thể “lắc đầu” khi thương lượng để giữ thương hiệu riêng.

Còn trước khi “gật đầu” cho một mối hợp tác lâu dài, tất nhiên DN sẽ không “bơ vơ” mạnh ai… nấy làm! Tất cả những nhu cầu của giới DN nhằm tìm hiểu thông tin chính sách, tiêu chuẩn từ phía Trung Quốc sẽ được tập hợp tại Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT). Sau đó thông qua tham tán thương mại Việt Nam để chuyển tới người mua Trung Quốc nhằm tìm kiếm những câu trả lời thỏa đáng. Xa hơn nữa, dự kiến vào đầu năm 2019, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản sẽ tổ chức đoàn công tác cho DN đi thực tế tìm hiểu thị trường tại 3 tỉnh đông bắc Trung Quốc.

Cần phải nói rằng Trung Quốc đã, đang và sẽ còn là thị trường lớn của nông sản, thực phẩm Việt Nam. Mức sống, thu nhập và trình độ dân trí của nền kinh tế này cũng liên tục tiến lên những nấc thang mới. Vì vậy, chẳng có lý do gì để hàng Việt đang đường hoàng có mặt tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Úc… lại không thể “chăm chút” để có được nền tảng vững chắc ở thị trường láng giềng 1,4 tỷ dân - nơi mà hầu hết các nhà sản xuất lớn nhỏ trên thế giới đều ao ước được dự phần./.

Nguồn chinhphu.vn

Viết bình luận mới