Hoa Kỳ - thị trường xuất nhập khẩu gỗ quan trọng của Việt Nam

26/06/2019 07:20

Tại Hội nghị Đông Nam Á của Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Mỹ (AHEC) diễn ra sáng 25/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, Hoa Kỳ là thị trường quan trọng bậc nhất của ngành chế biến gỗ Việt Nam.

 

Chú thích ảnh

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn phát biểu khai mạc. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Năm 2018, xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ chiếm khoảng 42% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm nay, đây vẫn là thị trường quan trọng nhất với kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng trên 34% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, sự tăng trưởng xuất khẩu này do năng lực sản xuất của Việt Nam đã tăng lên. Nhiều nhà máy công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã được xây dựng trong nhiều năm qua và đi vào hoạt động. 

Quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nhằm kéo dài chu kỳ kinh doanh và nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, với quy mô khoảng 3,5 triệu ha đang cho sản lượng tăng nhanh. Năm 2018, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đã đảm bảo khoảng 36 triệu m3 cho ngành chế biến gỗ.

Không chỉ là thị trường xuất khẩu chủ lực, Hoa Kỳ còn là nhà cung cấp gỗ nguyên liệu số 1 cho Việt Nam. Nguồn cung gỗ nguyên liệu của Hoa Kỳ đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp và truy xuất được nguồn gốc. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khoảng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. 

Như vậy, Hoa Kỳ là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng bậc nhất của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Hai bên sẽ cùng hợp tác, bổ trợ cho nhau cùng phát triển, đảm bảo lợi ích đôi bên. Doanh nghiệp và Chính phủ cùng vào cuộc kiểm soát quy trình sản xuất để đảm bảo ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam minh bạch, an toàn về cả kinh tế, môi trường, xã hội.

Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên liệu gỗ mà Việt Nam không có lợi thế, nhất là gỗ cứng như: sồi, thông, óc chó… làm ra sản phẩm phù hợp thị hiếu của các khu nhà nghỉ, khách sạn cao ấp.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (Hawa) đánh giá, ngành sản xuất gỗ tại Hoa Kỳ gần như không còn, nên nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Hoa Kỳ từ các nước khác là bắt buộc. Hiện Hoa Kỳ cũng chưa có chiến lược trong sản xuất mặt hàng này trong nước, trong tương lai, đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam và nhiều nước khác xuất khẩu sang Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ nguyên liệu nhiều nhất thế giới. Người tiêu dùng Hoa Kỳ hiểu và thường sử dụng gỗ của họ. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ, doanh nghiệp phải sử dụng gỗ nguyên liệu của họ. Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam đã hiểu. 

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng gỗ Hoa Kỳ của Việt Nam cũng ngày càng tăng, điển hình như: sồi, óc chó...  Trong khoảng 5 - 10 năm trước nhu cầu gỗ Hoa Kỳ tại thị trường trong nước rất hiếm, nhưng nay đã trở nên phổ thông. Việc tăng nhập khẩu gỗ từ Hoa Kỳ cũng sẽ góp phần từng bước cân bằng cán cân thương mại trong ngành gỗ, tạo ra sự phát triển bền vững của ngành gỗ Việt tại thị trường này.

Ông Robert Hanson Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, chiếm đến 77% tỷ trọng xuất khẩu tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp gỗ cứng của Hoa Kỳ trong khu vực. 

Chú thích ảnh

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ghi nhận Luật Lâm nghiệp của Việt Nam và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam với châu Âu đã có hiệu lực để đảm bảo tính hợp pháp và bền vững của các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ông Robert Hanson nhận định, Việt Nam sẽ ưu tiên cho việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ các nguồn bền vững và hợp pháp.

Tại hội nghị, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng với Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ đã truyền tải đến các doanh nghiệp ứng dụng, cách phân hạng gỗ Hoa Kỳ nhằm giúp các nhà thiết kế, nhà chế biến, nhà nhập khẩu…. có hiểu biết toàn diện hơn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp hai nước giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới