Hàng hóa dồi dào, không có hiện tượng tập trung mua hàng đột biến

02/04/2020 14:34

Trong ngày đầu thực hiện chỉ thị 16/TTg, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã chuẩn bị khá chu đáo về dự trữ hàng hóa, các sản phẩm bầy bán đều đa dạng và người dân mua sắm thuận tiện.

Hang hoa doi dao, khong co hien tuong tap trung mua hang dot bien hinh anh 1
Hàng hóa tại các siêu thị và chợ truyền thống dồi dào, mua sắm thuận tiện. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hàng hóa tại các hệ thống phân phối lớn, hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, nhất là những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, gạo, rau củ quả trong ngày 1/4 vẫn dồi dào, đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân. Đặc biệt, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua thực phẩm để tích trữ.

Siêu thị tăng mạnh lượng dự trữ

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu tiên thực hiện chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã chuẩn bị khá chu đáo các phương án cung ứng hàng hóa, các sản phẩm bầy bán đều đa dạng và mua sắm cũng thuận tiện.

Tại siêu thị Big C Thăng Long hay trung tâm thương mại Vinmart và Vinmart+, Aeon... các kệ hàng thực phẩm luôn đầy ắp hàng, đặc biệt dù người dân đến mua khá đông nhưng số lượng cũng không quá lớn để tích trữ.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho biết doanh nghiệp đang dự trữ lượng hàng hóa lớn, tương đương với lượng hàng dự trữ của Tết Nguyên đán vừa qua. Trong khi đó, các nhà cung cấp vẫn đáp ứng đủ nên không lo thiếu hàng hóa tại hệ thống.

Ngoài ra, Vinmart cũng tăng lượng hàng hóa lên 40 lần so với ngày thường. Phía Tổng công ty Thương mại Hà Nội (thành viên Tập đoàn BRG) cũng tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 30% đến 50% tại từng siêu thị và tăng gấp 10 lần tại kho trung tâm...

Còn tại hệ thống MM Mega Market lượng hàng hoá đầy đủ, nhiều hơn ngày thường 200%, Coopmart tăng 50-300% tùy loại hàng hóa và sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân.

Hầu hết các siêu thị đều liên tục phát loa thông báo vẫn tiếp tục mở cửa trong những ngày tới để người dân yên tâm mua sắm, cũng như nhắc nhở mọi người giữ khoảng cách 2m, nhất là tại khu vực chờ thanh toán.

Với các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội hôm nay vẫn mở cửa hoạt động bình thường (trừ các khu ăn uống đóng cửa theo quy định), giá cả cũng tương đối ổn định.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết các hệ thống phân phối bán nhu yếu phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của thành phố Hà Nội vẫn mở cửa hoạt động bình thường và dự trữ hàng hóa đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Hiện nguồn cung hàng hóa tại hệ thống các siêu thị, chợ trên địa bàn dồi dào. Các doanh nghiệp cũng sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng trực tuyến.

“Các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn bảo đảm đủ cung cấp cho người dân,” bà Lan cho hay.

Hang hoa doi dao, khong co hien tuong tap trung mua hang dot bien hinh anh 2
Các chợ truyền thống vẫn bán hàng để phục vu người dân. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sẵn sàng mở thêm các điểm bán hàng lưu động, dã chiến

Nhằm chủ động ứng phó dịch bệnh COVID-19, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai phương án 3 về việc đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ khu vực bị cách ly với 5 cấp độ trên địa bàn thành phố ứng phó với dịch bệnh này với số lượng hàng hóa dự trữ trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường, đảm bảo dự trữ tối thiểu trong 3 tháng của quý II/2020 với tổng trị giá hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng với 17 mặt hàng.

Đặc biệt, Sở Công Thương đã có văn bản giao cụ thể lượng dự trữ hàng hóa cho các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn, khuyến khích doanh nghiệp dự trữ cao hơn lượng hàng hóa phân bổ của thành phố.

Theo bà Lan, Sở Công Thương cũng xây dựng kịch bản cung ứng hàng hóa với 5 cấp độ cho các khu vực cách ly của thành phố. Đơn vị này đề nghị Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đảm bảo 4 tại chỗ chủ động xác định lượng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn, thành lập các tổ điều phối hàng hóa thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân trên địa bàn, chủ động ký kết với các đơn vị phân phối để đảm bảo nhu cầu hàng hóa cho nhân dân, hỗ trợ địa điểm chưa sử dụng như nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao… để giúp các doanh nghiệp có thể mở thêm kho hàng dự trữ hàng hóa và bán lưu động khi cần thiết.

Còn theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), lãnh đạo bộ sẽ chỉ đạo các Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp phân phối mở các điểm bán hàng lưu động, bán hàng dã chiến, trong trường hợp người tiêu dùng tập trung mua hàng đột biến đới với các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Bên cạnh đó, trong trường hợp xấu nhất do tâm lý người dân vẫn tập trung đông đột biến, Bộ sẽ đề nghị chính quyền địa phương cử các lực lượng chức năng gìn giữ an ninh trật tự trên địa bàn, như công an, quân đội, dân phòng... tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối đảm bảo cung cấp hàng liên tục nhưng vẫn đảm bảo anh ninh trật tự và bảo đảm phòng chống dịch COVID-19.

Hang hoa doi dao, khong co hien tuong tap trung mua hang dot bien hinh anh 3
Trong sáng ngày hôm nay không còn cảnh người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đối với nhiệm vụ cung ứng, đảm bảo hàng hoá, đặc biệt là 13 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng xăng dầu cho người dân trong thời gian cách ly xã hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước làm việc ngay với địa phương, các doanh nghiệp đầu mối cung ứng, phân phối hàng hoá xây dựng phương án cung ứng hàng hoá, tình hình lưu trữ, phương án, nhân lực vận chuyển…

Bộ trưởng đề nghị các Vụ, Cục chức năng thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình về cung cầu hàng hoá từ 3-4 tiếng/lần, đồng thời giữ liên lạc thông suốt với lãnh đạo, cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp cung ứng hàng hoá./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới