Hà Nội sản xuất sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho Tết Nguyên đán

20/10/2021 15:15

Bất chấp dịch COVID-19, Hà Nội vẫn có một vụ Đông hiệu quả, năng suất, chất lượng cao.

Chú thích ảnh

Trang trại gà trứng của gia đình anh Nguyễn Viết Tiến ở thôn Xuân Long, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Ngành nông nghiệp đã mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; chủ động nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới.

Để bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng, từ nay đến cuối năm 2021, ngành nông nghiệp sẽ rà soát, mở rộng khoảng 600 ha diện tích nuôi kết hợp cá - lúa; phấn đấu nâng tổng diện tích nuôi trong năm 2021 đạt 24.000 ha với sản lượng ước khoảng 120.000 tấn các loại.

Khu vực mở rộng diện tích nuôi trồng gồm: huyện Thanh Trì phát triển thêm 5 ha nuôi cá chép, rô phi cỡ lớn; huyện Mê Linh mở rộng 59 ha nuôi các loại cá chép, trắm, rô phi, mè, trôi, ếch... Một số huyện khác cũng dự kiến mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản như: Mỹ Đức 79 ha, Phú Xuyên 50 ha, Thạch Thất 60 ha, Ứng Hòa 111 ha, Thường Tín 77 ha...

Nhu cầu tiêu dùng thủy sản của người dân Hà Nội khoảng 19.250 tấn/tháng, trong khi đó, khả năng đáp ứng của nông nghiệp Thủ đô là 10.150 tấn/tháng, khoảng 52,7%. Số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố khác khoảng 9.100 tấn/tháng, chiếm 47,3%.

Ông Tạ Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố là hơn 23.400 ha với sản lượng 9.675 tấn/tháng. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, tổng sản lượng ước đạt hơn 87.000 tấn, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Nông dân các vùng nuôi trồng thủy sản đang tập trung thả nuôi lứa mới và chăm sóc cá để phục vụ cho thị trường Tết nguyên đán năm 2022 sắp tới.

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản Hà Nội cũng phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân nuôi thủy sản theo hướng an toàn, thường xuyên theo dõi nhiệt độ, đo độ pH trong ao nuôi để điều chỉnh cho phù hợp; cho ăn với khẩu phần và chế độ ăn hợp lý theo kích cỡ và mật độ nuôi để không dư thừa thức ăn, gây lãng phí… vừa hạn chế dịch bệnh phát sinh ảnh hưởng tới sản lượng thủy sản.
 
Những ngày này, nông dân ở các vùng nuôi trồng thủy sản lớn như Ứng Hòa, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Thạch Thất... đang tập trung thả nuôi lứa mới để gối vụ cho thị trường trong và sau Tết Nguyên đán 2022.

Anh Phạm Đình Chiến ở huyện Mê Linh cho biết, gia đình có 1 ha nuôi trồng thủy sản, trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn cá nước ngọt các loại. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, trước khi vào nuôi lứa mới, gia đình đã rắc vôi bột xung quanh ao…

Theo bà Nguyễn Thị Nụ ở huyện Ba Vì có trang trại hơn 2 ha nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung. Hiện bà đã chia các ao để thả nuôi gối vụ cung cấp cho thị trường dịp cuối năm.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến hết tháng 9, các địa phương trên địa bàn đã thực hiện rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông. Toàn thành phố phấn đấu gieo trồng 32.548,4 ha cây vụ Đông, tăng 2.859,3 ha so với kế hoạch đầu năm; trong đó, huyện Mỹ Đức có diện tích cây vụ Đông tăng cao nhất với 839,5 ha, Thường Tín tăng 618,5 ha, Sơn Tây tăng 378 ha, Hoài Đức tăng 340 ha, Ứng Hòa tăng 320 ha, Quốc Oai tăng 230 ha, Thạch Thất tăng 109 ha so với kế hoạch ban đầu.

Các cây trồng chủ lực trong vụ Đông năm nay vẫn là rau, ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây... Hà Nội sử dụng giống ngắn ngày và chủ lực là chất lượng cao. Đồng thời, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích gieo trồng ngô, đậu tương, khoai tây làm thực phẩm cho người và là nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi; bố trí cơ cấu cây trồng và khung thời vụ phù hợp để không ảnh hưởng đến sản xuất vụ xuân 2022.

Tuy nhiên, vụ Đông năm nay, Hà Nội vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp hơn các nghề khác nên nhìn chung, nhiều hộ dân vẫn chưa mặn mà với cây vụ Đông. Trong khi đó, diện tích trồng vụ Đông chưa tập trung nên có khó khăn trong việc cơ giới hóa, điều tiết nước, phòng trừ chuột hại; giá giống cao, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định...

Hiện việc liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp tác xã nông nghiệp cũng còn hạn chế. Chưa kể, vụ đông năm nay, thời tiết diễn biến bất thường, mưa nhiều khiến một phần diện tích cây trồng vụ đông mới gieo bị hỏng.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để giúp nông dân yên tâm sản xuất, Sở đã triển khai chính sách phù hợp để hỗ trợ sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại để mở rộng liên kết sản xuất; chủ động tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ tiêu thụ nông sản.

Song song với điều chỉnh tăng thêm diện tích sản xuất, các huyện cũng đã có chính sách hỗ trợ người dân như hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ một phần chi phí giống, phân bón để tăng khả năng thâm canh, đầu tư chăm sóc cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để người sản xuất yên tâm đầu tư.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới