Giá nông sản trồi sụt bất thường, nông dân kẻ cười người khóc

23/03/2018 14:06

Trong những năm qua, mặc dù cũng thực hiện theo kế hoạch, có chỉ đạo của ngành chức năng, cơ quan quản lý nhưng tình trạng “được mùa, mất giá”, giá cả bấp bênh, không có đầu ra vẫn thường lặp đi lặp lại khiến nhà nông luôn trong tình trạng đối phó với khó khăn.

Thu hoạch lúa. (Ảnh: VOV)

Giá nông sản năm trồi năm sụt bất thường cũng đã khiến nhiều nhà nông không lường trước việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì mỗi khi mùa vụ mới.

Tại Sóc Trăng, nhà nông cũng bao phen lao đao khi giá nông sản năm nay có khi giá cao “ngất” nhưng mùa vụ sau lại giảm “thê thảm”; trong đó phải kể đến giá lúa, giá mía đường, giá lợn hơi, hành tím…. Điều đặc biệt là giá các mặt hàng chủ lực của tỉnh tăng giảm không theo quy luật mà bất thường nên người dân không thể tính được để chủ động đối phó.

Trong những ngày sau Tết Nguyên đán đến nay, người trồng lúa ở Sóc Trăng đang vui mừng vì vụ lúa Đông Xuân 2017 – 2018 này lúa thu hoạch vừa được mùa lại vừa được giá nên lợi nhuận thu về cũng đạt cao.

Năm nay, nhiều địa phương tập trung gieo trồng các giống lúa ngắn ngày và các giống lúa thơm, lúa đặc sản có khả năng chống chịu được hạn, mặn, phèn cũng như phòng tránh được sâu hại tấn công nên năng suất khá cao như các giống lúa ST, RVT, OM 4900… nhờ vậy, năng suất đạt trung bình từ 6-8 tấn/ha.

Với giá lúa như hiện nay, loại lúa thường được bán trên 5.000 đồng/kg, còn giá lúa thơm, lúa đặc sản cao nhất đạt tới gần 8.000 đồng/kg nên bà con có lợi nhuận khá cao. Như hộ ông Danh Phương ở Trần Đề, canh tác 2 ha lúa nhưng vụ Đông Xuân mới thu hoạch xong ông thu về lợi nhuận tới hơn 60 triệu đồng. Giá lúa vụ này cao, nông dân cũng lợi nhuận cao.

Điều này trái với một số năm, trước và sau tết thường giá lúa thấp hơn vì người dân cần tiền lo tết có khi phải bán rẻ, đôi khi do thương lái ép giá hoặc do chất lượng lúa không tốt hay do cung vượt quá cầu do thị trường xuất khẩu gạo gặp khó khăn.

Trong khi giá lúa cao, người trồng lúa “cười” thì người trồng hành tím và dân trồng mía ở Sóc Trăng lại đang phải “khóc” vì giá quá thấp. Người trồng hành không có lãi còn người trồng mía còn lỗ sâu hơn vì giá bán cả ruộng mía chỉ bằng 2/3 giá thành đầu tư.

Giữa tháng 3 này, nhiều hộ trồng mía ở ấp 1, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú cho biết, mỗi công mía (1.300m2), người trồng mía phải đầu tư tổng chi phí cả phân, giống, công chăm sóc hết từ 7-8 triệu đồng, trong khi ruộng mía của họ đang thu hoạch bán cho thương lái chỉ có 4 đến 5 triệu đồng, có khi ruộng xa đường quốc lộ hay sông lớn còn bị ép ở mức 4 triệu đồng trên công (bán mão cả ruộng), trung bình năng suất mỗi công mía đạt 12 tấn thì tính ra mỗi ký mía cây chỉ được giá từ 350 đến 400 đồng trong khi giá nhà máy đường Sóc Trăng mua vào là 900 đồng/kg, người trồng mía lỗ 3-4 triệu đồng mỗi công (ruộng) mía.

Ông Kim Hen, chủ tịch UBND huyện Long Phú cho biết, do mấy năm gần đây, giá mía cứ thấp dần, người dân trồng mía không có lãi, năm nay lại lỗ nặng nên chính quyền khuyến cáo bà con chuyển đổi, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, vốn đầu tư chuyển đổi là khá cao, mỗi ha cần tới khoảng 200 triệu đồng nên với người dân nghèo việc chuyển đổi cũng gặp khó khăn. Một số hộ chuyển sang trồng lúa, tuy có khá hơn trồng lúa nhưng lợi nhuận cũng không được cao.

Trước thực tế ngày càng khó khăn cho người trồng mía vì giá mía liên tục giảm trong những năm gần đây, nhiều hộ trồng mía đang giảm dần diện tích để chuyển đổi từ cây mía sang cây ăn quả hoặc nuôi trồng thủy sản. Tại huyện Cù Lao Dung, trong vòng 5 năm qua, từ chỗ có diện tích mía trên 8.200 ha, nay chỉ còn 6.300 ha mía và vẫn còn tới hơn 4.000 ha mía chưa thu hoạch. Dự kiến sau vụ mía này huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi 900 ha đất trồng mía sang trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản và rau màu khác.

Không phải giá mía năm nào cũng thấp như năm nay, đã có năm, càng vào cuối vụ, do thiếu mía cho nhà máy nên đã có sự tranh mua tranh bán, đẩy giá mía lên cao, người trồng lại đua nhau trồng mía trong vụ tiếp theo, giá mía năm cao năm thấp cũng là nguyên nhân người dân vẫn bám vào cây mía, chưa muốn chuyển đổi trồng cây, nuôi con khác.

Với người trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu “thủ phủ” hành ở miền Tây Nam bộ cũng thường xuyên trong nỗi vui-buồn mỗi khi mùa vụ tới.

Còn nhớ, vụ hành năm 2014-2015, người trồng hành “kêu trời” và cả nước “ra tay “giải cứu” khi giá thành trồng hành lúc đó vào khoảng 7-8 ngàn đồng thì người bán chỉ thu được 3-4 ngàn đồng/kg. Lỗ nặng nhưng nhờ sự chung tay của các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp mà giá tăng lên sau đó, có khi lên tới 30-40 ngàn đồng/kg. Và rồi vụ hành Đông Xuân 2017-2018 này người trồng hành Vĩnh Châu lại lặp lại cảnh vui-buồn lẫn lộn khi đầu vụ giá cao, cuối vụ giá thấp.

Nếu như thời điểm trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, giá hành tím Vĩnh Châu được thương lái thu mua từ 16.000 – 32.000 đồng/kg thì hiện nay, thương lái chỉ thu mua ở mức 7.000 – 8.000 đồng/kg. Mức giá này đã thấp lại cộng thêm việc thời tiết bất lợi, giá nhân công cao, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người trồng hành. Không ít hộ trồng hành thu hoạch thời điểm trước tết còn có lãi thì sau Tết lại bị lỗ.

Anh Trần Kính Thọ, ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu cho biết, gia đình trồng 1,2 ha hành, mỗi ngày gia đình anh cần 20 nhân công để nhổ, phơi, gánh hành; giá 120 ngàn đồng/người/ngày. Với giá bán hành 7.000/kg như những ngày qua, sau khi trừ chi phí, tiền nhân công, gia đình lỗ khoảng 5 triệu đồng/công (1.000m2) hành tím.

Trước khó khăn về thời tiết và tình hình cung – cầu khiến giá nông sản hàng hóa ở Sóc Trăng khi lên khi xuống thất thường, các cấp, các ngành tỉnh cũng đã phối hợp và có chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ cho bà con. Tuy nhiên, phần lớn là những giải pháp tháo gỡ trước mắt, còn giải pháp lâu dài cũng như việc phối hợp giữa các “nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà máy…) để bao tiêu sản phẩm, có lối ra bền vững cho sản phẩm của nhà nông thì xem ra vẫn còn chưa có hiệu quả hoặc chỉ là dự án, kế hoạch ở đâu xa lắm với người nông dân./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Viết bình luận mới