Giá lúa Đồng bằng sông Cửu Long đang xuống thấp

14/02/2019 14:07

Hiện việc thu mua lúa gạo xuất khẩu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra khá chậm, nguyên nhân là do chưa có các hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp để thu mua lúa tạm trữ trong dân gặp khó khăn do lượng hàng còn tồn kho khá lớn…

 Lúa vụ đông xuân khu vực ĐBSCL đang trong giai đoạn chín và cho thu hoạch
(Ảnh: K.V)

Trong khi đó, hầu hết diện tích lúa đến giai đoạn thu hoạch hoặc chuẩn bị thu hoạch, nếu doanh nghiệp không có vốn thu mua tạm trữ, việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn. Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2018-2019, Thành phố này xuống giống 81.264 ha. Lúa đang trong giai đoạn chín và đang thu hoạch. Năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha, sản lượng dự kiến 570.000 tấn; trong đó, sản lượng lúa hàng hóa khoảng 470.000 tấn, còn lại 100.000 tấn làm lúa giống vụ sau. Hiện các doanh nghiệp tại khu vực này ký hợp đồng bao tiêu trên 15.000 ha, thấp hơn cùng kỳ khoảng 5.000 ha. Giá lúa đang xuống thấp và tiêu thụ chậm, bình quân thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg so cùng kỳ và khó tiêu thụ.

Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, chỉ còn khoảng ít ngày nữa là nông dân địa phương này sẽ thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân năm 2018-2019. Theo người dân nơi đây, giá lúa tươi hiện nay trung bình đã giảm từ 500-600 đồng/kg so với thời điểm trước Tết. Cụ thể, giống lúa OM 5451 có giá 4.800-4.900 đồng/kg, lúa IR 50404 giá từ 4.400-4.500 đồng/kg. Tuy nhiên, nông dân lo lắng nhất hiện nay là lúa đã gần đến ngày thu hoạch nhưng có rất ít thương lái tìm đến đặt cọc hỏi mua, điều chưa từng xảy ra ở nhiều vụ lúa đông xuân gần đây. Mặt khác, năng suất lúa năm nay cũng được dự báo sẽ giảm hơn so với cùng kỳ mọi năm, bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi làm sâu bệnh gây hại tăng nhanh.

Nông dân huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cũng đã thu hoạch gần 1.000ha, năng suất từ 7 đến 8 tấn/ha lúa tươi. Tuy nhiên, giá lúa có xu hướng chững lại nên nhiều người chưa bán. Lúa được các thương lái thu mua tại ruộng. Các giống lúa thường dao động từ 4.800 - 5.300 đồng/kg; các giống lúa chất lượng cao như Thơm nút, ST24 giá từ 6.500 - 7.000 đồng/kg, tùy chất lượng lúa. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên số diện tích thu hoạch sớm có năng suất khá, nhưng giá lúa không cao nên nông dân thu lợi nhuận không nhiều…

Trước tình hình trên, các địa phương đã kiến nghị cơ quan chức năng chỉ đạo thu mua lúa tạm trữ cho nông dân. Mặt khác, đề xuất trao đổi với các ngân hàng và vận động ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ gói tín dụng giúp doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ cho nông dân. Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại TP.Cần Thơ kiến nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố này phối hợp với các tỉnh trong khu vực cùng kiến nghị với Hội sở Ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ vốn chung cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tổng dư nợ của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến nay khoảng 7.000 tỷ đồng. Nếu mỗi chi nhánh ngân hàng bổ sung định mức vay phục vụ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo trên địa bàn 10% tổng dư nợ, tương đương 700 tỷ đồng, chắc chắn sẽ giải quyết được nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Về lâu dài, toàn bộ diện tích sản xuất lúa chưa được bao tiêu cần được ngành nông nghiệp, các địa phương đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp bao tiêu cho nông dân. Ngành nông nghiệp quản lý chặt về vấn đề giống, đảm bảo cơ cấu giống phù hợp phục vụ xuất khẩu. Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương chú trọng quan hệ với các bộ, ngành để có thông tin sớm cho doanh nghiệp, nhất là với thị trường có tác động lớn đến tình hình xuất khẩu gạo.../.

Nguồn dangcongsan.vn

 
Viết bình luận mới